TĐKT - Linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu (tỉnh Nam Định) là một tấm gương sáng vì cộng đồng. Nhiều năm qua, ông trở thành người cha, người mẹ, là chỗ dựa vững chắc cho nhiều đứa trẻ bất hạnh. Cuộc sống, tình yêu của những đứa trẻ ngây thơ tội nghiệp, của những mảnh đời bất hạnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của vị linh mục này.
Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu tỉnh Nam Định được Thánh Giám mục Diaz Sanjurjo An thành lập năm 1852, nơi luôn rộng mở đón nhận trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật về nuôi dưỡng, giáo dục, không phân biệt lương giáo.
Theo linh mục Phạm Ngọc Oanh, vào giai đoạn đầu, Cô nhi viện Thánh An được gọi là “Nhà Thiên Thần”, chỉ có ba dãy nhà được xây cất với mục đích thu lượm và đem về nuôi dưỡng những trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, bị bỏ rơi vì cha mẹ mất sớm hoặc gia cảnh quá túng thiếu. Các em nhỏ đều không có ai bảo lãnh. Nhà Dục Anh nuôi cho ăn học, dạy nghề để các em có thể sống tự lập, xây dựng gia đình khi các em trưởng thành. Nhưng, đến thời kỳ nước ta cấm đạo, cả ba dãy nhà bị phá bình địa, gỗ gạch cũng bị tịch thu đem đi xây nhà cho người khác.
Linh mục Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu (tỉnh Nam Định)
Năm 1866, Đức Cha Bamabas Cézon Khang (1861 - 1880) lại tái thiết. Năm 1880 Đức Cha Emmanuel Rianno Hòa xây dựng thêm. Đến năm 1914, Đức Cha Munagorri Trung (1907 - 1936) cho xây dựng lại toàn bộ cơ sở chắc chắn hơn, rộng rãi hơn, gồm: Một nhà hai tầng, 3 nhà một tầng. Trung bình mỗi năm, Nhà Dục Anh đón nhận được khoảng 2000 em nhỏ.
Năm 1993, được sự ủy thác của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Nhất, ban lãnh đạo Cô nhi viện đã củng cố và hoàn thiện đội ngũ những anh chị em thiện nguyện để phục vụ tại đây. Linh mục Phạm Ngọc Oanh đảm nhận vai trò là Giám đốc Cô nhi viện Thánh An – Bùi Chu.
Trước hiện trạng những ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng vì thời gian và gió bão, từ năm 1995, linh mục Phạm Ngọc Oanh cùng ban lãnh đạo đã tiến hành nâng cấp và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng theo quy hoạch mới, để có đủ tiện nghi nuôi dạy các em nhỏ cho phù hợp.
Trước những nhu cầu ngày càng nhiều, Ban Giám đốc Cô nhi viện Thánh An thấy rằng: Không một tổ chức nào có đủ khả năng để đón nhận tất cả các em về nuôi, mà phải nghĩ đến phương thức kêu gọi mọi người hợp tác dưới chủ đề: “Cộng đồng trách nhiệm” - nghĩa là kêu gọi mọi người, mọi tổ chức cũng như chính cha mẹ và họ hàng các em cùng chia sẻ trách nhiệm lo cho các em.
Vì thế, Nhà Dục Anh được tổ chức như một “Trung tâm bồi dưỡng tinh thần nhân đạo” có chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức riêng một phân ban nuôi dạy trẻ em không phân biệt lương giáo. Đặc biệt, để có lợi tức đảm bảo cho việc nuôi dưỡng cũng như huấn nghệ cho các em lớn, nơi đây đã tổ chức những tổ sản xuất như: Dệt chiếu, cắt may, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, Nhà Dục Anh cũng tổ chức những khóa đào tạo nhân sự để phục vụ tại Trung tâm và tương lai cho các địa phương như: Y tế, giáo dục, dạy nghề.
Học viên được nhận trong các khóa tại Trung tâm là những anh chị em thiện nguyện, có tinh thần phục vụ cao, muốn góp công sức vào tổ chức nhân đạo, sau khi kết thúc khóa đào tạo, các học viên sẽ tình nguyện thay nhau phục vụ tại Trung tâm. Khi về địa phương, các học viên này có thể cộng tác với phân chi Hội Đồng Thập Tự.
Linh mục Phạm Ngọc Oanh đang vui vẻ trò chuyện với mọi người
Nhờ sự sáng tạo, linh hoạt của linh mục Phạm Ngọc Oanh, sự quyết tâm, chung tay của những tấm lòng vàng, nên từ năm 1999 đến tháng 8 năm 2020, với phương thức tổ chức đó, Trung tâm bồi dưỡng tinh thần nhân đạo đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công tác nhân đạo.
Nhờ đó, hiện tại, Cô nhi viện Thánh An đã phát triển lên với 35 chị em nữ tu đang nuôi dưỡng khoảng 150 người. Trong đó, gần 30 em đang học phổ thông; 12 cháu học mẫu giáo, 14 em dưới 4 tuổi, đặc biệt có 25 em bị khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, bại liệt, thần kinh, đao. Ngoài ra, còn có thêm 5 người già yếu, mất sức.
Từ năm 2007, Cô nhi viện còn mở cửa tiếp nhận trường hợp những thiếu nữ mang thai đơn thân không nơi cư trú, nhằm tạo điều kiện cho họ có nghị lực vượt qua khó khăn để tiếp tục cuộc sống, giúp cho những trẻ em có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, Cô nhi viện Thánh An còn hỗ trợ nuôi dưỡng tại cộng đồng (tức là những em mồ côi, khuyết tật còn bố mẹ hoặc người thân) 550 em, mỗi em 40.000 đồng/tháng. Các em được nuôi tại Cô nhi viện và tại cộng đồng không phân biệt tôn giáo, xa gần. Trong đó, có những em thuộc các tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai (tính đến tháng 11 năm 2003).
Ngoài ra, hàng năm, Cô nhi viện Thánh An đều trợ cấp gạo hàng tháng cho các ông bà đau yếu, nghèo khó, không nơi nương tựa, không phân biệt lương giáo, mỗi người 10 kg/tháng, thuộc các làng: Bùi Chu, Liên Thủy, Trung Linh, Ngọc Tiên, Bách Tính, Quần Cống và Bắc Câu trong giáo phận Bùi Chu.
Sau bao nhiêu năm gắn bó với công việc vô cùng vất vả, gian truân ấy, niềm hạnh phúc nhất với linh mục Phạm Ngọc Oanh đó chính là được nhìn thấy nhiều em nhỏ lớn lên, có nghề nghiệp ổn định, có tổ ấm gia đình riêng; được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của những người già khốn khổ... Đặc biệt, được nhìn thấy nhiều em nhỏ lớn lên từ Cô nhi viện bước chân ra hòa nhập tốt với xã hội nhưng vẫn không quên được nơi này. Mỗi lần trở về đây, họ lại ôm nhau khóc nức nở bởi như trở về với tuổi thơ đầy kỷ niệm, về với mái ấm và tình yêu thương.
Thục Anh