TĐKT - Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng ông Lê Trung Thực lại bén duyên với mảnh đất Nghệ An đầy nắng, gió. Ông là người luôn “cháy” hết mình với công tác xã hội và được mệnh danh “Người bố có nhiều con” hay “Vị giám đốc không lương”. Hiện ông giữ cương vị là Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An.
Ông chia sẻ, Trung tâm Công tác xã hội được sắp xếp lại trên cơ sở tiền thân của Trung tâm Nhân đạo Nghệ An cũ thành lập vào năm 1997 do ông sáng lập và xây dựng. Buổi đầu sơ khai, cơ sở vật chất thiếu thốn, địa điểm không có, phải đi thuê, kinh phí cũng chưa có tổ chức hay cơ quan nào giúp đỡ, nhưng ông đã thu nhận 20 cháu tàn tật, mồ côi nhiễm chất độc màu da cam với mong muốn tạo lập cho các em có một nghề phù hợp để kiếm sống cho bản thân, bớt đi những mặc cảm và hòa nhập với cộng đồng.
Lúc bấy giờ, ông gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tất cả các cháu đều chưa có một chế độ gì, hầu hết sức khỏe yếu, bệnh tật, khả năng lao động thấp. Ông đã nỗ lực hết mình, làm đủ mọi nghề để đảm bảo cuộc sống như: Chăn nuôi lợn, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn, làm đậu phụ, bánh bao, thu mua giấy, may mặc đồ dân dụng, biểu diễn văn nghệ…
Để có tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt phục vụ cho việc ăn học, tiền thuê nhà hàng tháng, thậm chí ông đã phải bán đi những tài sản giá trị của mình.
Ông Lê Trung Thực (ngoài cùng bên trái) đón Tết Tân Sửu 2021 cùng mọi người trong trung tâm
Đến năm 1999, ông được UBND tỉnh giao và cấp nguyên trạng Xí nghiệp Gốm đã giải thể. Khi tiếp quản địa điểm mới, mặc dù đứng trước muôn vàn khó khăn trên vùng đất bị sành hóa sau 30 năm sản xuất gốm, cơ sở vật chất không có gì, tình hình an ninh lại phức tạp, ông cùng vài cán bộ đã gồng mình không kể ngày đêm nhặt từng viên gạch, tấc sắt xây dựng các gian nhà để các cháu có chỗ ăn học. Bằng sự nỗ lực của ông, từng công trình dần được hiện lên với không biết bao mồ hôi, công sức.
Ông tốn rất nhiều tiền của để san ủi mặt bằng, đóng táp lô để xây tường rào, nhà cửa, đường sá đi lại, trồng cây xanh, đào ao thả cá, chăn nuôi bò, lợn, gà. Mảnh đất sành hóa đã được hồi sinh qua bàn tay của cán bộ, học sinh trung tâm.
Luôn mang trong mình tinh thần vượt khó đi lên, công việc làm ăn thuận lợi, có được số vốn kha khá, ông từng bước xây dựng được ngôi nhà cho ông và các con ở.
Những đứa trẻ thấy được sự vất vả của ông, chúng thường xuyên giúp đỡ những công việc nhẹ, rồi đứa bóp tay, bóp chân, đứa ôm vai, bá cổ, hỏi thăm ông sau những ngày làm việc mệt mỏi. Cũng từ sự chăm sóc ân cần, nhẹ nhàng và chu đáo của ông, các cháu ở trung tâm quen gọi ông là bố lúc nào không hay.
Hàng ngày, ngoài việc dạy may, ông vẫn làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi các con. Để các con có ngôi nhà và công việc ổn định, ông đã đến gõ cửa các phòng, ban, ngành của xã, của huyện, của tỉnh để xin việc cho các cháu.
Vào tháng 11/ 2005, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An được thành lập với hành lang pháp lý đầu tiên ra đời, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Tuy vậy, sau khi nhà nước có chế độ lương cho các thầy cô giáo, ông vẫn không biết đến hệ số lương của mình là bao nhiêu, bởi những đồng tiền lương ít ỏi ấy, ông dùng để mua quần áo, sữa và đồ dùng học tập cho các con mình.
Từ đó trở đi, hễ nghe tin có cháu nào bị bỏ rơi, ông đều tự mình lặn lội đến xin làm thủ tục và nuôi các cháu. Có nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, ông tự đón về đi khai sinh, đặt tên cho cháu bé. Có những đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo, ông lại đưa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị. Với những nỗ lực đó, tháng 5/2005, trung tâm vinh dự đón đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư về thăm.
Ngày 18/6/2012, Trung tâm được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Được sự tin tưởng của UBND tỉnh cũng như của nhân dân, Trung tâm được bàn giao nhà an dưỡng tỉnh ủy cũ để làm cơ sở 2 tại thành phố Vinh.
Được nhà nước đỡ đầu, ông như được chắp thêm động lực để làm từ thiện. Trung bình mỗi năm, trung tâm của ông đào tạo được hơn 1.000 lao động các nghề: Cắt may, tin học, gò hàn… Trong đó, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí hoàn toàn.
Trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, sau nhiều năm hoạt động, đến nay, trung tâm đã có một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, là điểm đến tin cậy của mỗi người dân, của những mảnh đời bất hạnh và những nhóm người yếu thế.
Hàng năm, trung tâm tiếp nhận từ 80 - 100 cháu. Các cháu được tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng từ trước đến nay khi mới về trung tâm hầu hết có tình trạng sức khỏe yếu, đặc biệt là trẻ bị bỏ rơi mới được 1 - 3 ngày tuổi. Có nhiều cháu bị bỏ rơi ở bệnh viện, cổng cơ quan và cả những nơi hoang vắng, hầu hết sinh thiếu ngày, thiếu tháng, sức khỏe yếu, bệnh tật, khuyết tật, thậm chí là các bệnh xã hội.
Các cháu khi tiếp nhận đều thường xuyên phải đưa đi điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương. Nhiều cháu phải được chăm sóc dài hạn. Tiếp đó, nhiều cháu còn quá độ tuổi đi học nhưng cũng phải bắt đầu cho đi học từ mầm non vì lý do bệnh tật, trí tuệ không phát triển. Một số cháu khi vào trung tâm tinh thần khủng hoảng do tâm lý… được ông Thực bao bọc, chở che, chăm sóc cẩn thận.
Các cháu ở đây được vui chơi, học hành như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhiều cháu đã lớn lên có công ăn việc làm ổn định, người thì đã lập gia đình. Hàng chục năm qua, những đứa con của ông Thực mỗi ngày đều lớn lên và trưởng thành. Ông luôn mỉm cười và dõi theo chúng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, ông vẫn thường xuyên phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa vào các ngày lễ, tổ chức các chương trình hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng xã hội đặc biệt như: Nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ tặng 27/7 tặng từ 15 - 20 suất quà trị giá 500 nghìn đồng/suất; trao xe lăn cho người khuyết tật; ủng hộ quỹ khuyến học các xóm, xã, địa phương mỗi năm khoảng 5 triệu đồng…; hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ và tặng trên 3.500 suất cơm cho các đối tượng bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách nhân dịp tết cổ truyền hằng năm tại các bệnh viện thành phố Vinh…
Năm 2014, ông trực tiếp vận động cán bộ, công nhân viên, người thân trong
gia đình tự nguyện giúp đỡ, xây dựng mới 1 ngôi nhà sàn cho bà Lô Thị Hợi do mưa lũ cuốn trôi với số tiền trên 10 triệu đồng; sửa chữa nhà cho người nghèo tại Bản Lự, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Năm 2017, ông tặng 50 triệu đồng để hỗ trợ xây nhà cho mẹ Lê Thị Ủy, mẹ liệt sĩ Lê Văn Công tại xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tiếp đó, Trung tâm đã nhận phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Quá trình phấn đấu, cống hiến ông Nguyễn Trung Thực đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh từ năm 2007 - 2013, Giấy khen, Bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Huy chương vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba... Ông là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020.
Hồng Thiết