Chàng trai người Tày đưa gia vị xứ Lạng vươn xa
30/03/2021 - 14:42

TĐKT - Những năm gần đây, tại Lạng Sơn, cùng với hoa hồi, cây mác mật dần mang lại giá trị cao, diện tích trồng được người dân mở rộng. Với những bà con vùng cao xứ Lạng, mác mật là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày như vịt, lợn quay… Nhận thấy giá trị của cây mác mật, chàng thanh niên người Tày - Dương Hữu Điện ở xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn đã quyết định khởi nghiệp từ cây gia vị này.

Dương Hữu Điện thuyết trình ý tưởng tại Vòng bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn năm 2019

Điện cho biết, mác mật là loại cây gia vị đặc trưng có ở vùng Đông Bắc bộ như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Quả mác mật có thể ăn tươi hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn đặc sản vùng cao, bởi mùi thơm của loại cây gia vị này rất đặc biệt, tạo cho món ăn trở nên đậm đà, thơm, bùi. Với loại đặc sản vùng cao này, khi ướp vào các món nướng, quay sẽ tạo nên mùi vị lạ và thơm ngon, ngậy và bùi, lại không độc hại, dễ tiêu hoá… Đặc biệt, người dân thường dùng hạt mác mật để chế biến thêm món nước chấm sền sệt.

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 350 ha cây mác mật, trong đó, chủ yếu thu hoạch và bán quả tươi với giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg. Diện tích tương đối lớn song trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến quả, lá mác mật theo hướng hàng hóa.

Là người con của Lạng Sơn, nhiều năm làm nghề thu gom lá, Điện chứng kiến quả mác mật bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc, giá trị mang lại không cao. Trong khi đó, loại gia vị này ngày càng được sử dụng phổ biến ở thị trường nội địa. “Từ người làm thuê, mình thay đổi nhận thức, vì nhận thấy mác mật là nguồn tài nguyên đặc biệt ở địa phương, cần phải tìm cách nâng cao giá trị gia tăng thay vì bán thô, giá rẻ mạt cho Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân để mình nghiên cứu và chế biến lá, quả mác mật thành nước sốt, một dạng sản phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng, giảm chi phí vận chuyển, kho bãi… Chỉ có làm như vậy thì mới nâng cao được giá trị của loại cây gia vị này, người dân tộc mới có thêm việc làm và nguồn thu nhập”, Điện tự tin chia sẻ.

Dương Hữu Điện giành được suất đào tạo ngành thương mại quốc tế tại các nước trong khu vực châu Á

Tận dụng 6 ha diện tích mác mật tại vườn nhà, Điện đã đầu tư khoảng 30 triệu để mua các thiết bị như máy ép, máy xay để chiết xuất, chế biến sản phẩm từ mác mật. Tháng 4/2020, Điện bắt tay vào thử nghiệm, chế biến, xây dựng công thức cho các loại sốt có hương vị mác mật.

Điện cho biết: “Khó khăn nhất là gia giảm sao cho các loại gia vị hòa quyện lại với nhau nhưng vẫn phải giữ được hương vị đặc trưng của mác mật. Sau hàng chục lần gia giảm thành phần, khối lượng, thử tẩm ướp và chế biến các món ăn, 2 sản phẩm gia vị mác mật sấy khô và nước sốt dạng lỏng đã ra đời. Thành phần chính của 2 loại sốt này là quả mác mật, lá mác mật, hồi, quế, hồ tiêu… Tuy đã qua chế biến song hương vị mác mật không bị giảm đi mà còn thơm ngon hơn do có những loại gia vị khác bổ trợ. Đặc biệt, thời gian bảo quản lên đến 1 năm. Với 2 loại sốt này, người tiêu dùng có thể sử dụng để tẩm, ướp các món kho, chiên, nướng, rán, làm nước chấm… Hiện nay, sản phẩm của Điện đã có mặt ở 5 cơ sở quay nướng tại khu vực xã Chiêu Vũ.

Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức năm 2019, dự án các loại sốt hương vị mác mật của Điện đã vượt qua hàng nghìn sản phẩm để lọt vào vòng chung kết. Anh nhận được suất đào tạo ngành thương mại quốc tế tại các nước trong khu vực châu Á.

Hướng xa hơn, Điện chia sẻ anh sẽ chế biến tinh dầu mác mật và nhiều sản phẩm khác với mong muốn thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương tham gia. Dự án nếu được triển khai rộng sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người dân và xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Nguyệt Hà