Chàng kỹ sư có nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học
25/12/2019 - 13:42

TĐKT - Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chàng kỹ sư Hà Trầm Huy, giám sát sản xuất Công ty CP Tico đã có nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học được đưa vào áp dụng, không những làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty mà còn góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Kỹ sư Hà Trầm Huy được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 19

Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh chuyên ngành hóa năm 2011, anh thi tuyển và được nhận vào làm việc tại Công ty CP Tico với vai trò là nhân viên vận hành phòng điều khiển.

“Khi bước vào làm việc tại công ty, lúc đầu tôi còn khá nhiều bỡ ngỡ với công việc mới. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo công ty và các đồng nghiệp, tôi đã áp dụng những kiến thức được học và không ngừng nỗ lực bổ sung các kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhờ đó, chỉ mất 1 năm, tôi đã nắm bắt được công việc và phát huy được khả năng của bản thân.”- anh Huy chia sẻ.

Với sức trẻ, niềm đam mê kỹ thuật, khả năng sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, anh Huy nhanh chóng được ban lãnh đạo công ty tin tưởng giao chức vụ. Năm 2012, anh được đề bạt lên làm phó ca sản xuất. Khi đó, anh cũng hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành quá trình thiết bị. Công ty tiếp tục bổ nhiệm anh vào vị trí giám sát sản xuất.

Trong môi trường làm việc tại Công ty CP Tico, dường như chàng kỹ sư trẻ Hà Trầm Huy có thêm nhiều “đất” hơn để dụng võ. Anh bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp kỹ thuật và nhanh chóng trở thành chủ nhân của hàng loạt sáng kiến. Trong đó, nổi bật là sáng kiến “Giảm phát thải chất thải nguy hại trong sản xuất nhờ cải tiến quy trình tái chế hoàn toàn lượng phế phẩm THF”.

Chia sẻ về sáng kiến này, anh Huy cho biết: Tico là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Quá trình sản xuất, giai đoạn xử lý khí thải đã làm phát sinh một lượng phế phẩm THF, trung bình mỗi năm là hơn 120 tấn. Đây sẽ là gánh nặng cho môi trường nếu không được giải quyết tốt. Trước đây, Công ty Tico thường chuyển lượng phế phẩm này cho một đơn vị xử lý nhưng chi phí khá cao. Công ty đã nhiều lần thực hiện các nghiên cứu, cải tiến, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong đợi.

Là người trực tiếp vận hành máy, anh Huy trăn trở làm sao để có thể thu hồi hết lượng phế phẩm phát sinh mà theo anh việc khó nhất chính là tìm cách làm giảm cặn rắn cũng như giải quyết yêu cầu về màu trước khi pha trộn vào thành phẩm.

Sau một thời gian từ tìm tòi, nghiên cứu, anh đã đưa ra phương án xử lý THF bằng axít sulfuric và nước. Sáng kiến này của anh đã được áp dụng thành công, mang lại hiệu quả khi đã xử lý gần như hoàn toàn lượng phế phẩm phát sinh. Sáng kiến cũng đã mang lại lợi nhuận hơn 3,2 tỷ đồng mỗi năm cho công ty.

Ngoài ra, anh Huy còn 10 sáng kiến khác cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho công ty, đặc biệt là góp phần thiết yếu cho việc bảo vệ môi trường.

Nói về niềm đam mê sáng kiến của mình, kỹ sư Hà Trầm Huy cho rằng, mong muốn góp phần xây dựng một môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho bản thân và đồng nghiệp, đặc biệt hướng tới môi trường xanh, trong lành chính là động lực thôi thúc anh không ngừng trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới, sáng tạo.

“Mình sáng tạo ra những máy móc, cải tiến kỹ thuật không phải vì muốn có thành tích hay lợi ích gì riêng cho bản thân, mà mình muốn tất cả công nhân lao động trong công ty đều được làm việc trong môi trường an toàn hơn.” -  kỹ sư Hà Trầm Huy tâm sự.

Bên cạnh công tác chuyên môn, anh Huy còn là một phó bí thư chi đoàn và là ủy viên ban chấp hành Công đoàn nhiệt tình, năng nổ. Hàng tháng, anh luôn dành thời gian để tổ chức các chương trình, hội thi, hội thao để góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động.

Không những vậy, anh còn tích cực tham gia đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ sư, công nhân trực tiếp vận hành sản xuất.

Với những đóng góp của mình, năm 2019, anh Huy vinh dự được Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 19.

Bảo Linh