TĐKT – Được triển khai từ tháng 3/2015, tới nay, mô hình “Đường kim mũi chỉ, quân sĩ hài lòng” của Hội Phụ nữ Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4 ngày càng phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Mô hình đã góp phần tiết kiệm chi phí chỉnh sửa quân trang cho cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn, đồng thời đảm bảo tính thống nhất về trang phục quân nhân đúng với quy định; tạo việc làm, niềm vui cho chị em cũng như quỹ vốn cho Hội hoạt động.
Với đặc thù là đơn vị phòng không, mỗi năm Lữ đoàn 71 nhận 250 thanh niên từ các địa phương nhập ngũ vào đơn vị; quân số thường trực của Lữ đoàn trung bình từ 450 đến 500 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Do nhu cầu cuộc sống của xã hội ngày càng được nâng lên, những thanh niên được tuyển nhận vào đơn vị không đồng đều cả về sức khỏe, thể lực, chiều cao, cân nặng, trong khi quân trang của đơn vị cấp thì theo cỡ số.
Việc khắc phục tình trạng quân phục rộng, hẹp, dài, ngắn… mà vẫn đảm bảo nét đẹp tưởng chừng là việc nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng trong đời sống quân ngũ.
Xuất phát từ nhu cầu đó, mô hình “Đường kim mũi chỉ, quân sĩ hài lòng” ra đời để phục vụ chỉnh sửa quân tư trang cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị, khắc phục tình trạng bộ đội mang ra ngoài chỉnh sửa theo ý thích cá nhân sai quy định, đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, đảm bảo tính kịp thời mà giá lại rẻ hơn so với bên ngoài.
Theo đó, khi cán bộ, chiến sĩ có nhu cầu chỉnh sửa quân tư trang hoặc in biển tên theo đúng quy định đăng ký với chỉ huy đơn vị; chỉ huy đơn vị tổng hợp và báo lên cho chi hội. Căn cứ vào số lượng cụ thể, Hội Phụ nữ Lữ đoàn cử tổ nữ công xuống từng đơn vị trực tiếp sửa từng bộ quần áo và in biển tên, đáp ứng yêu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Tiền công chỉnh sửa mỗi chiếc quần lên gấu là 5.000 đồng (rẻ hơn so với ngoài một nửa) và in biển tên là 10.000 đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy, Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần để mô hình hoạt động thường xuyên và có hiệu quả .
Trung tá Nguyễn Văn Ước, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 71 nhận xét: Đây là một mô hình tốt, hoạt động có hiệu quả, tiết kiệm được tiền bạc, thời gian của cán bộ, chiến sĩ; hạn chế được chiến sĩ ra ngoài làm việc riêng vi phạm kỷ luật. Mô hình còn góp phần đảm bảo tính thống nhất về trang phục quân nhân đúng với quy định. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của đơn vị, kỷ luật quân đội, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ trách nhiệm của mình với trang phục của quân đội nói chung và quân trang của từng cá nhân nói riêng.
Số tiền thu được từ mô hình, Hội sử dụng vào việc mua sắm vật chất, máy móc và trích một phần cho hoạt động của Hội. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Những cuộn len hồng” mà phụ nữ Quân đội, Quân đoàn đang tổ chức, Hội còn sử dụng nguồn tiền này để mua len về đan áo, hàng năm cùng với phụ nữ Quân đoàn tặng cho các em học sinh nghèo vượt khó, đồng bào vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.
Chính từ mô hình này, Hội phụ nữ Lữ đoàn đã hoàn thành được nhiệm vụ là những người chị, người mẹ trong một gia đình lớn chăm cho các em của mình từng đường kim, mũi chỉ, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, đoàn kết, gắn bó, xây dựng đơn vị cũng như tăng cường mối quan hệ đoàn kết cán - binh, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới.
Nhờ đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị ngày càng tốt hơn. Tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có sự chuyển biến tiến bộ. Trong thời gian thực hiện mô hình, đơn vị không có tình trạng vi phạm kỷ luật về mang mặc; lễ tiết tác phong vi phạm kỷ luật thông thường giảm.
Phương Thanh