TĐKT - Là trưởng thôn Măng Tách, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, ông A Hai luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động bà con tích cực hưởng ứng, tham gia cùng với bộ đội biên phòng để bảo vệ, giữ gìn đường biên giới, cột mốc của Tổ quốc. Ông luôn là tấm gương mẫu mực để bà con dân tộc thiểu số nơi đây học tập và làm theo.
Thôn Măng Tách thuộc xã Đăk Long là thôn có vị trí chiến lược, có đường biên giới Việt Nam giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong thôn có 65 hộ với 342 nhân khẩu, 99% là dân tộc Giẻ Triêng, 98% dân theo Công giáo. Nhìn chung, bà con giáo dân chấp tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo. Thôn có 1 chi bộ gồm có 6 đảng viên.
Trưởng thôn A Hai thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới
Sau khi tiếp thu chủ trương, kế hoạch của Đảng ủy, UBND xã về bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc, trưởng thôn A Hai đã chủ động trao đổi với chi ủy Chi bộ thôn triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Cụ thể từ năm 2015 đến nay, trong thôn có 12 hộ gia đình tham gia tổ tự quản 11,9 km đường biên giới và 6 cột mốc; tổ chức tuần tra, phát quang cột mốc trên 12 đợt với 120 lượt hộ gia đình tham gia. Gia đình ông A Hai cũng đăng ký tham gia tự quản cột mốc và đoạn đường biên giới, bởi theo ông, “việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm của công dân nơi biên cương Tổ quốc.”
Hàng năm, sau khi được bộ đội biên phòng bàn giao cột mốc, tuyên truyền, hướng dẫn cách quản lý, bảo vệ, gia đình ông cùng nhân dân trong thôn thường xuyên lên kiểm tra hiện trạng đường biên giới, cột mốc, phát quang xung quanh mốc giới và lau chùi cột mốc. Ông luôn tuyên truyền cho nhân dân trong quá trình lao động, canh tác nương rẫy, vào rừng hái măng, tìm rau phải chú ý đến mốc giới, không được qua ranh giới nước bạn Lào; kịp thời phát hiện người lạ mặt hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật như vượt biên giới trái phép, xâm cư, xâm canh, làm thay đổi hiện trạng mốc giới; kiểm tra các dấu hiệu cố ý tác động hoặc do yếu tố thiên nhiên tác động làm ảnh hưởng đến cột mốc, kịp thời báo về cho UBND xã và các đồn biên phòng để có hướng xử lý theo quy định.
Từ năm 2015 đến nay, ông đã báo 12 tin cho các cấp xử lý vi phạm quy định khu vực biên giới, đồng thời hằng năm phối hợp với Đồn Biên phòng Đăk Long tổ chức tuyên truyền cho nhân dân 20 đợt với 1200 lượt người tham gia. Ngoài công tác phối hợp, ông đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND xã, chi ủy Chi bộ để tổ chức tuyên truyền theo chuyên đề về khu vực biên giới, đường biên, cột mốc 4 lần/năm và lồng ghép vào tuyên truyền thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác 7 lần/năm.
Được sự vận động của trưởng thôn A Hai, nhân dân thôn Măng Tách tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng làm đường giao thông nông thôn
Bên cạnh đó, bản thân là người giáo dân Công giáo, là giáo phu phụ trách điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo với hơn 300 giáo dân, khi sinh hoạt giáo lý hoặc nghi thức tôn giáo hàng tuần, ông thường xuyên lồng ghép vào nội dung nhắc nhở bà con trong thôn nâng cao ý thức trách nhiệm của một công dân trên địa bàn xã, thôn biên giới, tuyên truyền vận động con em trong gia đình nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng với chính quyền các cấp bảo vệ tốt đường biên, cột mốc trong khu vực mình phụ trách và đường biên, cột mốc dọc tuyến giáp biên giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào. Ông cũng vận động giáo dân không được xâm canh, xâm cư làm nương rẫy qua đất nước bạn Lào; không được có hành vi, lời nói gây mất đoàn kết giữa nhân dân hai nước; phải quan tâm, tương trợ lẫn nhau, xem đây cũng là một nội dung, một phương pháp để cùng phối hợp giữa cư dân hai nước trong bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới đất liền cũng như đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Ông A Hai cho biết: “Để làm được những việc này, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, gia đình, sự đồng thuận tham gia của bà con, còn có sự quan tâm giúp đỡ rất lớn của Đảng ủy, UBND xã, Chi ủy Chi bộ và các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn xã.”
Theo kinh nghiệm của ông, muốn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ở cơ sở, trước hết, phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động, làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia quản lý, bảo vệ biên giới. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết, đấu tranh bảo vệ biên giới của quần chúng nhân dân; đồng thời phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong việc vận động tập thể, hộ gia đình và cá nhân tự nguyện tham gia. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị đứng chân trên địa bàn cùng xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng, nhất là bố trí, sử dụng lực lượng xử lý đối với các hành vi, sự việc liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các chương trình mục tiêu để giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, sơ kết, tổng kết để nhân rộng các điển hình tiên tiến, động viên khích lệ quần chúng nhân dân trong việc tham gia phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc.
Nhận thức rằng, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới là hết sức vinh dự, tự hào, nhưng cũng không ít những thách thức, khó khăn, phức tạp, trưởng thôn A Hai luôn tự nhủ sẽ cùng gia đình gương mẫu đi đầu, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa bàn đang sinh sống.
Phương Thanh