TĐKT - Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các y, bác sĩ, nhân viên y tế hầu hết đều gác lại chuyện riêng tư, xung phong vào điểm nóng để chống dịch. Họ là những chiến binh dũng cảm nguyện một lòng phục vụ nhân dân và người bệnh.
Điều dưỡng Trần Thanh Huyền, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh
Đến với Bệnh viện dã chiến số 2, thật xúc động khi nghe câu chuyện về những nhân viên y tế quyết gác lại việc riêng của gia đình để sát cánh cùng đồng đội trong trận chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Một trong số đó là câu chuyện của điều dưỡng Trần Thanh Huyền (42 tuổi), Bệnh viện Răng Hàm Mặt (BV RHM) Trung ương TP Hồ Chí Minh. Dù mẹ phải cấp cứu tại bệnh viện, nhưng ngay sau khi lo liệu cho mẹ tạm ổn, chị Huyền đã lên xe quay trở lại Bệnh viện dã chiến số 2 để cùng chiến đấu với đồng nghiệp.
Nhớ lại khoảng thời gian khi nhận được thông tin người thân của mình bị cấp cứu, điều dưỡng Trần Thanh Huyền chia sẻ, đội BV RHM Trung ương được Bộ Y tế điều động tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2. Ngay ngày đầu tiên đến, gia đình thông báo là mẹ chị đang phải cấp cứu. Chị trình bày với Ban Giám đốc Bệnh viện, lãnh đạo tạo điều kiện cho xe cấp cứu để đưa chị về với gia đình.
Được biết, mẹ chị Huyền bị bệnh tiểu đường hơn 30 năm, giai đoạn này dễ biến chứng nên bệnh xuất hiện đột xuất. Tuy nhiên sau 1 ngày, sức khỏe của bà ổn định, chị Huyền đã quay lại bệnh viện, cùng đồng đội tham gia chống dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bên cạnh điều dưỡng Huyền không chỉ có đồng nghiệp mà gia đình cũng luôn ủng hộ và là hậu phương vững chắc để chị hoàn thành tốt công việc của mình. Trong gia đình, mọi người luôn động viên chị cố gắng, giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước khi đi chống dịch, chị cũng cố gắng thu xếp công việc nhà, hai con nhỏ ở nhà cùng ba. Chị dặn cẩn thận các bé, sắp xếp chu đáo việc nhà khi chị vắng nhà.
Điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh của BV RHM Trung ương TP Hồ Chí Minh phụ trách hậu cần cho đoàn tại Bệnh viện dã chiến số 2
Không chỉ có điều dưỡng Huyền mà còn rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế khác cũng gác lại chuyện riêng, thậm chí có những người không thể chịu tang người thân hay nhiều năm chưa được về thăm gia đình do chống dịch...
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn cử 2 năm nay điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh (29 tuổi), BV RHM Trung ương TP Hồ Chí Minh chưa về quê thăm gia đình, cũng từ rất lâu chị không gặp bạn bè, người quen. Đầu tháng 6 khi bùng dịch, theo chỉ đạo của Sở Y tế, BV RHM Trung ương đã thành lập rất nhiều đội lấy mẫu cộng đồng, với tên gọi “những bàn chân không nghỉ” đi khắp TP Hồ Chí Minh. Sau khi có lệnh điều động của Bộ Y tế, chị đã đăng ký vào Bệnh viện dã chiến số 2 để hỗ trợ chống dịch.
Trước khi vào Bệnh viện dã chiến số 2, chị Linh đã hình dung ra được công việc và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Chị chuẩn bị luôn tâm lý vừa phải mang khẩu trang dày, vừa phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời gian rất dài dẫn đến việc khó thở, nóng, mệt. Chị Linh chia sẻ, có những người mới lần đầu chống dịch nên chưa quen, thường khóc vì nhớ nhà, nhớ con, sau khi được động viên, tâm lý cũng dần ổn định, cố gắng chiến đấu, dập dịch để sớm trở về với gia đình”, diều dưỡng Linh chia sẻ.
Ngoài ra, mỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến số 2 gọi điện cho bệnh nhân 5, 7 lần để tư vấn, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mọi người ở đây từ bệnh nhân đến bác sĩ, nhân viên y tế đều giao tiếp với nhau bằng điện thoại. Nhiều bệnh nhân rất dễ thương, thường xuyên nhắn tin hỏi thăm các bác sĩ, tình hình bệnh, kết quả xét nghiệm… Có nhiều bệnh nhân tâm sự muốn về nhà vì thực sự họ xa gia đình quá lâu rồi...
Làm trong môi trường phơi nhiễm cao, khi nghe tin đồng nghiệp trở thành F0, ai nấy đều đau lòng, đã có suy nghĩ thoáng lên “một ngày nào đó có tới lượt mình hay không?”. Chính vì vậy, các anh em đồng nghiệp tự nhủ với nhau phải cẩn thận, nỗ lực hơn nữa vì người đi rồi thì người ở lại sẽ nhiều công việc hơn. Họ thường xuyên gọi điện, động viên lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tại đây, cứ 5 ngày cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 2 lại xét nghiệm định kỳ một lần. Khi ngồi đợi kết quả, ai cũng lo lắng, thời gian ngồi đợi ai cũng sợ, tự nhắn tin trấn an nhau “chắc sẽ ổn thôi”. Khi có kết quả âm tính mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Họ đều chung suy nghĩ, nhanh chóng hết dịch, mọi người được về nhà bình an, ai cũng khỏe mạnh và không có bệnh nhân tử vong. Mong muốn của điều dưỡng Linh thật giản dị, chị ao ước, khi hết dịch bệnh, chị sẽ mời mọi người đến nhà liên hoan một bữa vì 2 năm nay chị gần như không được giao lưu, gặp gỡ gia đình, bạn bè. Điều dưỡng Linh luôn mang trong mình tinh thần lạc quan với suy nghĩ: Vì mình đang còn trẻ nên phải cống hiến, làm việc hết mình. Từ việc đi lấy mẫu cộng đồng và hiện tại là chăm sóc các bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2, tất cả đều không làm khó được các chị em y sĩ, điều dưỡng tại nơi đây.
Nguyễn Hân