Các đơn vị quân đội “thần tốc” cùng nhân dân phòng, chống đợt dịch Covid-19 lần thứ 4
04/08/2021 - 09:54

TĐKT - Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, quân đội luôn thể hiện vai trò xung kích, đi đầu trong việc tham gia phòng, chống dịch. Tại đợt dịch thứ 4, toàn quân tiếp tục triển khai “thần tốc”, huy động một lượng lớn nhân lực, phương tiện, trang bị, vật chất, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng y tế, công an…quyết tâm ngăn chặn, khống chế đại dịch, bảo vệ đời sống, sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Những cuộc hành quân “thần tốc” vào tâm dịch

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 tại nước ta, tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội được coi là những “mặt trận nóng bỏng”. Trước diễn biến dịch tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu phức tạp, mức độ lây lan lớn, trên diện rộng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã triển khai cuộc họp gấp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Tại cuộc họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương,Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các công việc cụ thể, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y, giám đốc các bệnh viện quân y khẩn trương triển khai lực lượng “thần tốc” lên đường hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Ngay sau vài giờ đồng hồ nhận lệnh, với tinh thần “thần tốc ra trận”, các đơn vị như: Học viện Quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bệnh viện Quân y 105, 354 (Tổng cục Hậu cần)…đã lập tức triển khai lực lượng, phương tiện hành quân ngay trong đêm để chạy đua với thời gian, cùng địa phương khống chế đại dịch đang lây lan mạnh mẽ.

Trước đó, ngay khi dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu kích hoạt đồng bộ, toàn diện các biện pháp PCD ở các cấp, không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị; rà soát, chuẩn bị khu cách ly tập trung, sẵn sàng thực hiện việc cách ly quân nhân nếu bị nhiễm bệnh.Đồng thời, lập tức điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trang bị đầy đủ thiết bị phòng độc cơ động, xe chuyên dụng, phối hợp với lực lượng y tế địa phương tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại các khu công nghiệp, các xã, thôn, xóm, bệnh viện, khu cách ly công dân và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn.

 

Bác sĩ Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Bắc Giang

Với vai trò xung kích trên tuyến đầu, từ đêm 13/5, Bệnh viện Quân y 110 đã cử 2 đoàn với 520 lượt cán bộ y, bác sĩ hành quân đến vùng tâm dịch, xuyên đêm sát cánh cùng nhân dân địa phương lấy hơn 35 nghìn mẫu sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Sau đó, trong đêm 17/5, các tổ lấy mẫu, xét nghiệm của Học viện Quân y và lực lượng, phương tiện xét nghiệm hiện đại của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cũng tức tốc lên đường hỗ trợ lực lượng y tếtại chỗ lấy mẫu, làm xét nghiệm. Đồng thời, hai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 và số 2 Bộ Quốc phòng cũng được thiết lập khẩn cấp để vừa thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa sẵn sàng tăng cường các tổ xét nghiệm tại các địa phương. Ngoài các lực lượng này, các bệnh viện và các tổ, đội quân y cơ động của nhiều đơn vị khác cũng đã mang theo trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế chi viện cho vùng dịch.

Tại Bắc Giang, các đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng của địa phương, của ngành y tế triển khai cấp bách các biện pháp PCD. Trung đoàn 831 đã cử 3 tổ công tác phối hợp với lực lượng y tế địa phương thiết lập 3 bệnh viện dã chiến; tổ chức phục vụ khu cách ly y tế tại đơn vị và tham gia bảo đảm cho hơn 3.000 người tại điểm cách ly Khu công nghiệp Vân Trung với hơn 3.000 người cách ly… Với tinh thần “quân với dân một ý chí”, Sư đoàn bộ binh 3 đã tổ chức xuất quân, điều động gần 500 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chung tay cùng địa phương chống dịch. Đoàn công tác chia thành 10 tổ, tăng cường phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn tham gia lập chốt phòng, chống dịch, giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm an toàn trong các khu cách ly tập trung; tham gia cùng lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 thành lập bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1, số 2; cử lực lượng phục vụ gồm 200 nhân viên, chiến sĩ, bảo đảm hơn 20.000 suất cơm, vận chuyển đến các địa điểmđể cung cấp cho người đang cách ly, điều trị Covid-19.

Sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng, đơn vị

Không chỉ có các lực lượng tại chỗ và các đơn vị, bệnh viện quân y, trong đợt dịch lần này, đóng góp của những người lính hóa học cũng hết sức quan trọng. Ngay trong chiều 29/5, sau khi nhận chỉ thị từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hóa học đã nhanh chóng điều động 15 xe đặc chủng, khí tài hiện đại nhất cùng 120 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc hành quân tới Bắc Giang để hỗ trợ địa phương khử trùng, tiêu độc nhằm dập dịch Covid-19. Khi đến nơi, mặc dù trời đã tối, các đơn vị khẩn trương hiệp đồng với lực lượng phòng hóa của Quân khu 1, Quân đoàn 2 tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các điểm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở 2 huyện Lạng Giang và Tân Yên (Bắc Giang) và hôm sau, các đơn vị chia thành nhiều mũi tiếp tục khử trùng, tiêu độc ở các địa bàn khác. Trước đó, Binh chủng Hóa học đã cử 2 đơn vị thuộc Lữ đoàn 86 cùng Tiểu đoàn 905 khử trùng, tiêu độc ở các huyện Quế Võ, Gia Bình và Thuận Thành (Bắc Ninh).

Đặc biệt, trước sự bùng phát trên diện rộng của dịch tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các tỉnh phía Nam, Binh chủng Hóa học đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức phun khử khuẩn trên diện rộng các địa bàn, nhất là các vùng dịch. Điển hình là, sáng 23/7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Lữ đoàn phòng hóa 87 và Tiểu đoàn phòng hóa 38 trên địa bàn đã phun khử khuẩn toàn bộ TPThủ Đức, sau đó, tiếp tục chiến dịch phun khử khuẩn toàn bộ các quận huyện ở TP Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô Hà Nội, sáng 26/7, Binh chủng Hóa học phối hợp với chính quyền địa phương đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm, sau đó triển khai trên các địa bàn có dịch bùng phát khác của thành phố để phòng dịch Covid-19. Đây được đánh giá là lần đầu tiên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phun khử khuẩn diện rộng để phòng dịch bệnh lây lan. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị thuộc Binh chủng Hóa học đã huy động hơn 1.300 lượt bộ đội cùng 210 lượt phương tiện tổ chức phun khử khuẩn trên các địa bàn vùng dịch với tổng diện tích gần 4,9 nghìn hec-ta, hơn 2,3 nghìn km đường giao thông các loại.

Theo Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, muốn khống chế dịch đợt này, việc quan trọng nhất là phải truy vết kịp thời, ngăn chặn đà lây, từ đó khoanh vùng dập dịch. Thực hiện yêu cầu trên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, kịp thời tham mưu với các cấp tập trung chỉ đạo xét nghiệm các địa bàn trọng điểm, trong các khu cách ly, phong tỏa và các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao, đồng thời chỉ đạo các địa phương lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng. Tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia truy vết; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo Sở Y tế tỉnh phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tăng cường, bảo đảm hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm...

Một lực lượng khác không thể không nhắc tới đó là những chiến sĩ dân quân tự vệ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang đã huy động hơn 50.000 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ PCD tại hơn 1.200 chốt PCD và gần 200 khu cách ly tập trung. Lực lượng này đã phối hợp với các tổ Covid cộng đồng đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác PCD; hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển kinh tế ngay trong lúc dịch Covid-19 phức tạp. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, lúc cao điểm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, nhân viên tham gia quản lý, phục vụ tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thiết lập 288 chốt PCD, điều động gần 700 cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ tham gia cùng với công an, y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ.

Trên địa bàn Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phối hợp với bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, cơ quan chức năng địa phương tổ chức 445 chốt liên ngành; tăng cường 574 dân quân tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam-Campuchia, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và PCD. Lực lượng vũ trang Quân khu đã tổ chức 28.506 đồng chí bộ đội và dân quân tham gia PCD tại 3.320 tổ, chốt, khu vực phong tỏa và các điểm cách ly trên địa bàn. Đối với địa bàn Quân khu 9, lực lượng vũ trang cũng chủ động tham gia tích cực cùng địa phương PCD. Quân khu đã điều động bộ đội thường trực và dân quân tự vệ cùng các trang bị, tàu thuyền tăng cường cho 434 tổ, chốt trên tuyến biên giới PCD Covid-19; tham gia phục vụ 18 điểm cách ly tập trung công dân để tiếp nhận cách ly hơn 2.300 công dân.

Ngoài các lực lượng trực tiếp xông pha trong tuyến đầu hỗ trợ các địa phương chống dịch, tại đợt dịch thứ 4, các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Nổi bật trong đó phải kể đến những đóng góp “thầm lặng” của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Từ nhiều ngày qua, kể từ khi dịch bùng phát, Bộ đội Biên phòng đã triển khai, thành lập hàng ngàn chốt, trạm kiểm soát, phòng, chống dịch trên địa bàn biên giới đất liền, trên biển. Hiện nay, trên tuyến biên giới trên đất liền, trên biển, lực lượng biên phòng đang duy trì 1.971 tổ chốt với 13.542 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng, trên 30 tàu thường xuyên tuần tra trên vùng biển, kịp thời phát hiện hàng nghìn trường hợp xâm nhập trái phép.

Tại vùng dịch thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An); trước tình hình dịch ngày một phức tạp, ngay tối 19/6, bộ đội phòng hóa Quân khu 4 phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An triển khai phun thuốc khử khuẩn trên diện rộng ở địa bàn thành phố Vinh. Lực lượng hóa học của toàn quân khu đã chia thành các tổ để phun khử khuẩn toàn thành phố Vinh với tinh thần khẩn trương, cùng với chính quyền địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn quân khu đã cử nhiều lực lượng, tổ công tác đến các địa phương giúp nhân dân PCD Covid-19.

 

Các đơn vị thuộc Quân khu 7 tổ chức “Gian hàng 0 đồng” phục vụ nhân dân vùng dịch

Diễn biến dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang là mối quan tâm, lo ngại của nhiều người. Trước diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn phía Nam, trước khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, với sự chủ động của mình, Bộ Quốc phòng đã thành lập tổ công tác đặc biệt do đồng chíThượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn vào thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội và giúp đỡ, hỗ trợ chính quyền địa phương PCD Covid-19.

Ngay khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã thành lập Ban chỉ đạo PCD Covid-19 và thành lập Ban chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự quân khu để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong toàn quân khu thực hiện tốt công tác PCD Covid-19. Quân khu kích hoạt toàn bộ hệ thống PCD Covid-19 tại các đơn vị trong toàn quân khu ở mức độ cao nhất. Cùng với đó, quân khu đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh biên giới phối hợp với lực lượng biên phòng, cơ quan chức năng địa phương tổ chức 445 chốt liên ngành; tăng cường hàng nghìn bộ đội, dân quân phối hợp với bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và PCD. Đồng thời, lực lượng vũ trang Quân khu đã tổ chức gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia PCD tại 3.320 tổ, chốt, khu vực phong tỏa và các điểm cách ly trên địa bàn. Quân khu phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng thành lập 5 đội phun khử khuẩn, sẵn sàng cơ động tham gia khử khuẩn trên địa bàn.

Quân khu đã chuẩn bị 311 điểm cách ly với khả năng tiếp nhận hơn 87.000 người. Từ khi dịch bùng phát đến nay đã tiếp nhận, cách ly gần 116.000 công dân; triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5, quy mô 500 giường, hiện đã tiếp nhận điều trị 432 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, Quân khu tiếp tục triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B, quy mô 500 giường bệnh đặt tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương). Quân khu chỉ đạo các bệnh viện quân y trực thuộc chuẩn bị 39 tổ PCD với 156 cán bộ và 39 xe cứu thương, sẵn sàng triển khai khi có lệnh.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 7 tăng cường cho địa phương hàng trăm cán bộ, nhân viên, hỗ trợ tiêm vaccine tại quận 2, TP Thủ Đức hàng chục nghìn mũi an toàn; lấy mẫu xét nghiệm tại phường Phú Hữu, phường Tân Phú (TP Thủ Đức) hàng chục nghìn người. Các đơn vị lực lượng vũ trang quân khu sẵn sàng phương án nhường doanh trại, nơi ăn, ở, sinh hoạt để phục vụ nhiệm vụ cách ly khi có yêu cầu. Trong lúc dịch giã, quân khu đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: “Siêu thị 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”... để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động quân nhân tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa. Những việc làm thiết thực, thắm tình quân dân đó đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong tình hình mới.

Ngoài lực lượng tại chỗ, Bộ Quốc phòng đã huy động 1.360 cán bộ, nhân viên quân y, kỹ thuật viên xét nghiệm của 11 đầu mối đơn vị mang theo 9 máy xét nghiệm SARS-CoV-2 và 2 xe xét nghiệm lưu động vào trực tiếp hỗ trợ các tỉnh phía Nam PCD. Lực lượng vận tải quân sự toàn quân đã huy động tối đa phương tiện tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cho các khu vực bị phong tỏa, cách ly, bảo đảm đời sống cho người dân.

Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong PCD Covid-19 mà Bộ Quốc phòng vừa được Chính phủ tin tưởng, giao nhiệm vụ đó là trực tiếp tham gia điều hành, triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc. Trong chiến dịch này, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao triển khai tổ chức Sở chỉ huy BCĐ chiến dịch, Văn phòng điều hành chiến dịch; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc, truyền dẫn, truyền hình trực tuyến; xây dựng hệ thống kho bảo quản vaccine; tiếp nhận, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng tại các địa phương; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, thiết kế “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm…Với sự chủ động, triển khai quyết liệt, đến nay, các cơ quan, đơn vị được giao tham gia chiến dịch đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng kế hoạch đã xác định. BQP phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành thiết lập Sở chỉ huy chiến dịch và Văn phòng đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng và Cục Quân y để chỉ đạo, điều hành, tổng hợp các số liệu về chiến dịch tiêm vaccine toàn quốc. Trong thời gian ngắn, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã thiết kế “Sổ sức khỏe điện tử”, hiện đơn vị đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng chức năng, tiện ích để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ tốt nhất chiến dịch. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã rà soát, thiết lập được 8 kho bảo quản vaccine tại 7 đầu mối quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, dự kiến sẽ tiếp nhận, bảo quản khoảng 113 triệu liều vaccine các loại. Ban chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) xây dựng kế hoạch vận chuyển, cấp phát vaccine đến các điểm tiêm tại các quận, huyện trên toàn quốc với tổng số hơn 1.300 xe. Đội ngũ lái xe phục vụ chiến dịch tiêm chủng hiện đang được tuyển chọn và tập huấn về chuyên môn để bảo đảm vận chuyển an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, hàng hóa. Hiện tại, Lữ đoàn 971, Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải) đã tổ chức các chuyến vận chuyển vaccine đầu tiên từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất về các kho của Bộ Y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với hơn 3 triệu liều, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục bùng phát tại nhiều địa bàn, diễn biến hết sức khó lường, Học viện Quân y đã mang lại tín hiệu vui khi đơn vịđược chọn làm điểm để thử nghiệm và hiện đã hoàn thành tiêm cho 13.000 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine phòng COVID-19 Nano Covax do Công ty Cổ phần Nanogen sản xuất. Kết quả này đã tạo nên sự lạc quan, hi vọng rất lớn vào việc nước ta sẽ chủ động được nguồn vaccine tại chỗ để tiêm phòng cho người dân, tiến tới tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19.

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, “cuộc chiến” với “giặc” Covid-19 vẫn còn hết sức cam go, song có thể khẳng định, những kết quả trong công tác PCD của nước ta đến thời điểm này là rất đáng khích lệ. Có được kết quả ấy, lực lượng quân đội có đóng góp hết sức quan trọng, nhất là những người lính xung kích trên tuyến đầu. Hình ảnh những người lính không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn có mặt tại các vùng dịch, điểm nóng đã trở thành điểm tựa tin cậy, vững chắc của chính quyền, nhân dân cả nước, thể hiện tinh thần quân đội luôn xung kích, đi đầu trong mọi tình huống, góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới./.

Thượng tá Nguyễn Thị Tố Loan

Phòng Thi đua - Khen thưởng,

Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam