TĐKT - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và “Nhà giáo Ưu tú” cho 17 nhà giáo thuộc các đơn vị của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ
Tại buổi lễ, 10 nhà giáo đã vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và 7 nhà giáo được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XII xác định “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Có lẽ không có một người thầy nào đặc biệt như những người thầy thuốc kiêm thầy giáo. Họ chính là người thầy của những người “thầy”, họ vừa tham gia vào sự nghiệp “trồng người” lại vừa tích cực trong sự nghiệp “cứu người”. Người thầy thuốc - thầy giáo gánh trên vai trách nhiệm lớn lao nhưng cũng đầy nhân văn và cao cả.
Các thầy, các cô vừa là thầy thuốc trị bệnh cứu người, vừa là thầy giáo đào tạo các thế hệ thầy thuốc tương lai. Bởi vốn dĩ trong cuộc sống không có việc gì là không có khó khăn, vất vả. Làm việc trong ngành y vốn đã đầy vất vả, áp lực, thiếu thốn thời gian dành cho gia đình. Khi đảm nhiệm thêm vai trò của một người thầy, những khó khăn này càng nhân lên gấp bội.
Với những giảng viên khác chỉ làm việc trên giảng đường hay trong các phòng thí nghiệm. Điều đặc biệt với những người làm công tác giáo dục trong ngành y là nhiều khi giảng đường chính là bệnh viện, là phòng bệnh nhân hay phòng cấp cứu. Bài giảng của họ không chỉ gói gọn trong những trang lý thuyết hay những mô hình thực hành mà là những giây phút căng thẳng cực độ khi đứng trước mạng sống con người, cả thầy và trò đều cố gắng hết mình với tiết học đặc biệt này. Giờ dạy của những thầy giáo kiêm thầy thuốc nhiều khi không thể biết trước được nó sẽ diễn ra bao lâu và vào lúc nào, tất cả phụ thuộc vào sinh mạng của bệnh nhân.
Người làm thầy là người truyền đạt tri thức cho người khác, cho thế hệ trẻ. Khi tri thức ấy chính là tính mạng, là sức khỏe của con người thì quá trình “truyền đạt” cần tâm huyết và sự nỗ lực lớn nhất. Người thầy giáo - thầy thuốc vừa phải làm sao cho học trò của mình hiểu được kiến thức mà phải là hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu chắc và có thể thực hành tốt, vừa phải giúp các em hiểu được đạo đức nghề nghiệp và phát huy được nó trong công việc.
Trong số 18 hồ sơ đề nghị của 6 đơn vị (gồm 10 hồ sơ đề nghị Nhà giáo Nhân dân và 8 hồ sơ đề nghị Nhà giáo Ưu tú), Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” cấp Bộ Y tế đã thẩm định và chọn ra 10 hồ sơ đề nghị xét tặng Nhà giáo Nhân dân và 7 hồ sơ đề nghị xét tặng Nhà giáo Ưu tú để trình lên cấp Nhà nước. Tất cả các hồ sơ trình lên đều được xét duyệt trong đợt này.
Hồng Thiết