Biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
01/03/2018 - 15:20

TĐKT - Chiều 28/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu, đại diện cho gần 3.000 cô đỡ thôn bản từ các vùng, miền khác nhau của cả nước, trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đến dự, có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; Tổng Giám đốc cơ quan tổng bộ về viện trợ toàn cầu của EU (Liên minh Châu Âu) Stefano Manservisi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục, tập quán, vì vậy họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Kể từ khi những cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh.

GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sự khác biệt đáng kể về sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, giữa đồng bằng với vùng sâu, vùng xa, giữa các dân tộc. Nhận thức được những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Đây là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính khiến phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.

Tham dự hội nghị, Tổng giám đốc Tổng bộ cơ quan hợp tác phát triển của EU, ông Stefano Manservisi cho biết: Hợp tác giữa EU và Việt Nam đã mang lại hiệu quả cao, Việt Nam thực hiện thành công việc giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi từ 51 vào năm 1990 xuống còn 24 vào năm 2013, và giảm tử vong bà mẹ từ 140 vào năm 1990 xuống còn 49 (trong 100.000 ca sinh sống) vào năm 2013.

Xu hướng này tiếp tục được duy trì vào những năm 2013 - 2015. EU tập trung hỗ trợ các tỉnh nghèo. Trong giai đoạn 2015-2017, cùng với sự hỗ trợ của EU, tỷ lệ các ca sinh do cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tăng lên nhiều, cùng với đó là tử vong trẻ sơ sinh giảm ở tất cả 10 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Đắk Nông).

Đại diện của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao vai trò của cô đỡ thôn bản: “Góp phần xóa những thôn, bản “trắng” về chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Hoạt động của cô đỡ thôn bản được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các già làng, trưởng bản và các cấp chính quyền đại phương.

Hồng Thiết