TĐKT - Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo của Bộ Công thương: Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40 - 50%).
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động
Cuộc vận động đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt: Đã khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp góp phần xây dựng nền kinh tế tự cường, tự lực; đã phát huy sức mạnh dân tộc, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững và vượt qua muôn vàn khó khăn trong xu hướng hội nhập; đã tạo nên nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và làm cho mọi người gắn bó, chia sẻ với nhau hơn.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng Việt Nam đã có ý thức hơn trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, vận động người thân, gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.
Từ triển khai Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các địa phương, doanh nghiệp: Mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp).
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động
Ngoài ra, có các mô hình tổ chức hội, câu lạc bộ, tổ nhóm “Ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mô hình truyền thông, giới thiệu, quảng bá hàng Việt gắn với tổ chức lễ hội, du lịch văn hóa, hội thảo khoa học cấp Quốc gia; mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; mô hình phát triển nông nghiệp gắn với Cuộc vận động như: Mô hình quy hoạch phát triển nông nghiệp sạch, phát triển chăn nuôi bò của huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc); chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh; mô hình phát triển hệ thống phân phối như: Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh; phát triển hệ thống phân phối của Tập đoàn Dệt may Việt Nam; phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Co.opMart của Liên hiệp Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh; chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; “Ngày hội Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”, “Tôi yêu hàng Việt” của Trung ương Đoàn; chương trình đưa hàng Việt vào khu công nghiệp - khu chế xuất, đa dạng kênh phân phối tiếp sức cho hàng Việt; tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”... ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam….
Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung - cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Ghi nhận những kết quả đạt được của Cuộc vận động, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức sáng 2/8 tại Hà Nội, 82 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 10 năm qua đã được biểu dương, khen thưởng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả thiết thực Cuộc vận động.
Đặc biệt, theo đồng chí Trần Quốc Vượng, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới, quan tâm giới thiệu hàng Việt Nam với đông đảo người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, thời gian tới, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Đồng thời, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng…
Mai Thảo