TĐKT - Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (16/9/1969 - 16/9/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, Bệnh viện được thành lập ngày 16/9/1969, trước tình hình bệnh bướu cổ trở nên phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhằm thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh bướu cổ, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua những khó khăn, thách thức cùng với sự trăn trở đổi mới đi lên để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay Bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng 1 tập thể và 2 cá nhân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Bệnh viện đã xây dựng cơ sở vật chất hiện đại với 2 cơ sở khám, chữa bệnh khang trang, tập trung nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Từ chỗ chỉ có 30 giường bệnh với 4 dãy nhà cấp 4, đến nay Bệnh viện có tổng số giường bệnh nội trú là 1079 (theo kế hoạch) với hơn 900 thầy thuốc, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại 42 khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng. Trang thiết bị hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Trong những năm qua, Bệnh viện đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị cao, điển hình là đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi tuyến giáp trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” do PGS. TS. Trần Ngọc Lương thực hiện.
Bệnh viện còn là cơ sở thực hành cho các sinh viên của các trường y dược, tập huấn, giảng dạy cho hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đại học, sau đại học và các đơn vị cơ sở y tế tuyến dưới.
Bệnh viện đã chủ động và có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả, tiếp cận trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tiên tiến của thế giới. Một số kỹ thuật mới tiên tiến: Phẫu thuật nội soi tuyến giáp, điều trị tuyến giáp bằng sóng cao tần, triển khai điều trị I ốt 131 trong điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật; lọc máu (thận nhân tạo); chụp CT, PET CT...
Đặc biệt, Bệnh viện là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất trên cả nước đưa vào triển khai hoạt động chuyên ngành Chăm sóc bàn chân và tổn thương trên người bệnh đái tháo đường; áp dụng các thủ thuật, phương pháp điều trị liền thương tiên tiến nhằm hỗ trợ điều trị loét bàn chân; phục hồi chức năng bàn chân, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải cắt cụt chi, rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh.
Với đội ngũ thầy thuốc giỏi, tận tâm với nghề và trang thiết bị hiện đại, năm 2018, Bệnh viện tiếp nhận hơn 42 nghìn lượt người bệnh đến khám và hơn 32 nghìn người điều trị nội trú…
Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc xây dựng và ổn định sự phát triển, một điểm nhấn quan trọng tạo nên sự thành công của Bệnh viện Nội tiết Trung ương là kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện. Đây một trong những kỹ thuật làm nên danh tiếng của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được Bộ Y tế vinh danh là 1 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành y tế Việt Nam.
Đến nay, hơn 3.500 ca bệnh về tuyến giáp đã được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi thành công, hơn 300 giáo sư, bác sĩ, học viên nước ngoài tới học tập và tìm hiểu kỹ thuật này. Không chỉ đem lại những kết quả tối ưu về mặt điều trị, phương pháp này cũng khiến bạn bè, đồng nghiệp quốc tế vô cùng ấn tượng, thán phục bởi chi phí rẻ, khoảng 400 USD so với thế giới (từ 7.000 - 10.000 USD).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và kết quả đạt được trong những năm gần đây của tập thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động Bệnh viện.
Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Chúng ta rất tự hào với những thành tựu phát triển của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong những năm qua, nhưng chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách. Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và các chứng rối loạn tâm thần.
Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng, chống các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, phấn đấu sớm trở thành một Trung tâm y tế hàng đầu trong nước và khu vực về phát hiện và điều trị bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế”.
Để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, Phó Thủ tướng lưu ý toàn thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động Bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh học tập chuyên môn, trau dồi y đức với phương châm “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; coi người bệnh là trung tâm, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo chuẩn mực cho mỗi cán bộ y tế, trở thành địa chỉ tin cậy, là điểm đến an tâm của người bệnh.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bệnh viện Nội tiết Trung ương là Bệnh viện thực hiện tự chủ đầu tiên của ngành y tế từ năm 2006. Cũng chính từ thực hiện tự chủ, Bệnh viện đã thực hiện vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở mới tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội khang trang - sạch đẹp, đưa vào hoạt động từ năm 2012. Hiện nay, bệnh nội tiết, rối loạn chuyển hóa nói riêng và các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… là nguyên nhân của 70% tất cả các trường hợp tử vong.
Để thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Trung ương (thể chế, nhân lực, hạ tầng), ngành y tế nói chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị bệnh viện cần tiên phong thực hiện: Đào tạo đội ngũ cán bộ đạt trình độ ngang tầm quốc tế và có tấm lòng yêu thương bệnh nhân, đặc biệt là bệnh viện cần làm chủ các kỹ thuật cao để thực hiện phòng, chống các yếu tố nguy cơ, phát hiện, sàng lọc sớm và điều trị hiệu quả các bệnh nội tiết và đái tháo đường; Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, tiến tới bao phủ chăm sóc toàn dân để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp này, 1 tập thể và 2 cá nhân thuộc Bệnh viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và 1 tập thể và 16 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS Shigeo Kono, Giám đốc Trung tâm Hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới về bệnh đái tháo đường, Tổ chức Bệnh viện Quốc gia thuộc Trung tâm Y tế Nhật Bản đã cũng vinh dự được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân".
Hồng Thiết