TĐKT - Ngày 27/2/1955, trong bức thư gửi ngành y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”… Thấm nhuần lời dạy “Lương y như từ mẫu” của Người, ngành y tế đã xác định được vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước, để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, thỏa đáng. Trải qua bao thăng trầm, đổi thay của đất nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, người lao động ngành y tế nói chung và Bệnh viện Mắt Trung ương nói riêng luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Những thành tựu to lớn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của ngành y tế Việt Nam luôn có sự đồng hành, đóng góp to lớn của Bệnh viện Mắt Trung ương.
Bệnh viện được thành lập năm 1917 với tên gọi ban đầu là Viện mắt hay “Nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà”, rồi sau đó là Bệnh viện Mắt Trung ương. Đến nay bệnh viện đã tròn 100 tuổi.
100 năm qua, nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, từ buổi sơ khai có 50 giường bệnh thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh mắt thông thường, cho đến nay bệnh viện không ngừng lớn mạnh. Bệnh viện đang ngày một phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống các tổ chức của ngành và trở thành một trung tâm nhãn khoa đầu ngành trong cả nước, có quy mô 450 giường bệnh với 24 khoa, phòng và gần 600 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Bệnh viện vốn là tuyến điều trị cuối cùng, tọa lạc ngay ở vị trí trung tâm nội thành Hà Nội, nên số lượng bệnh nhân đến đây luôn trong tình trạng rất đông. Bình quân, mỗi năm, bệnh viện đón tiếp hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân; thực hiện hàng chục ngàn ca phẫu thuật. Từ gần 23 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị (năm 2007) đến năm 2016, con số này là gần 47 nghìn lượt; gần 49 nghìn ca phẫu thuật các loại… Đây đồng thời là những con số biết nói, minh chứng cho sự phát triển về chất cũng như về lượng của bệnh viện trong công tác khám và điều trị những năm qua.
Bà Trịnh Thị Hồng Lý, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: để hỗ trợ công tác khám và điều trị đạt chất lượng tốt nhất, bệnh viện thường xuyên chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại; cập nhật, làm chủ các kỹ thuật tiên tiến, phương pháp điều trị hiện đại, đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu khám, chữa bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao của người dân hiện nay như đưa vào sử dụng 2 hệ thống máy mổ phaco và laser hiện đại nhất của thế giới: Femtocataract và Femtolasser; Similater, máy đếm tế bào nội mô, máy Smile... góp phần phòng, chống bệnh và dập tắt các dịch về mắt.
Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong điều trị các bệnh về mắt
Bệnh viện cũng khuyến khích và có nhiều biện pháp thúc đẩy việc nâng cao trình độ của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cũng như cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… Bệnh viện đã xây dựng 15 quy trình giám sát chất lượng chuyên môn, tuân thủ nghiêm bộ 83 tiêu chí bệnh viện Việt Nam.
Đặc biệt, những năm qua, công tác chỉ đạo tuyến của bệnh viện liên tục duy trì, được các cấp quản lý trong và ngoài nước đánh giá đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực khám và điều trị mắt cho các bác sĩ chuyên khoa mắt trên toàn quốc.
Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, bệnh viện luôn đảm bảo chỉ tiêu thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới với 29 hợp đồng với 29 bệnh viện, trung tâm Mắt trên toàn quốc với nhiều kỹ thuật mới và khó cho tuyến cơ sở: ghép giác mạc, phẫu thuật võng mạc dịch kính, tạo hình thẩm mỹ.... Đến nay, các đơn vị tuyến dưới đã có thể làm được kỹ thuật cao được chuyển giao trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mắt.
Với phương châm “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, những năm qua, Bệnh viện đã huy động được các nguồn tài trợ của các tổ chức, đoàn thể xã hội, tổ chức đi mổ cho người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa liên tục trong nhiều năm liền. 10 năm qua, trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện khám, phẫu thuật lưu động được từ 3000 – 5000 bệnh nhân.
Bệnh viện đồng thời là một cơ sở đào tạo chuyên khoa mắt có uy tín hàng đầu. Bệnh viện phối hợp với các trường Đại học Y khoa để đào tạo thực hành cho sinh viên, các đối tượng đến học tập, nghiên cứu và giảng dạy: nghiên cứu sinh, nội trú, cao học, chuyên khoa cấp 1, 2, chuyên khoa định hướng đáp ứng nhu cầu cán bộ chuyên môn ở các tuyến cơ sở. Một năm mở được 2 lớp đào tạo điều dưỡng chuyên khoa mắt và rất nhiều các lớp chuyên sâu như phaco, cắt dịch kính, ghép giác mạc…
Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng được đông đảo cán bộ CNVCLĐ trong bệnh viện hưởng ứng, thực hiện tốt. Nhiều đề tài nghiên cứu của bệnh viện đã được Hội đồng khoa học nhà nước, Bộ Y tế nghiệm thu, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị lớn chuyên ngành sâu, góp phần thay đổi tiến bộ khoa học trong công tác giải phóng mù lòa cho nhân dân.
Các đề tài nghiên cứu nổi bật: “Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”; “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật ghép lớp để điều trị bệnh lý giác mạc”; “Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp phát hiện sớm bệnh lý võng mạc cho bệnh nhân đái tháo đường và các phương pháp điều trị”… Đây là những nghiên cứu giúp cải thiện phương pháp điều trị tiên tiến một bước đột phá giúp đem lại ánh sáng cho hàng chục nghìn bệnh nhân trên cả nước, những bệnh tật mà trước đây là không thể điều trị được, phải chấp nhận mù lòa.
10 năm qua, trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện khám, phẫu thuật lưu động được từ 3000 – 5000 bệnh nhân
Đặc biệt, bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước có được ngân hàng mắt, là nơi thu nhận và bảo quản giác mạc cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân, góp phần giải phóng mù lòa, mang đến nguồn sáng cho nhiều bệnh nhân.
Hiện nay tại Việt Nam đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra và mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế, vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Ngân hàng Mắt ra đời để cùng với xã hội từng bước giải quyết vấn đề đó.
Giám đốc Ngân hàng Mắt Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: chính thức khai sinh từ năm 2009, đến nay Ngân hàng Mắt đã có thời gian gần 10 năm hoạt động. Nhân sự tuy mỏng nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết, tất cả vì nguồn sáng của bệnh nhân, Ngân hàng Mắt đã từng bước triển khai vận động được ngày càng nhiều người tham gia hiến tặng giác mạc. Đến nay, hiến tặng giác mạc đã trở thành một phong trào mang ý nghĩa sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều người dân ở các địa phương trên cả nước hưởng ứng. Từ 9 người hiến tặng vào năm 2007 đến nay số lượng đó đã đạt gần con số 400 người. Ngân hàng Mắt đã chủ động thu nhận, đánh giá bảo quản giác mạc rồi phân phối cho các bác sĩ tiến hành ghép thành công, mang lại nguồn sáng cho nhiều người bệnh, được các bộ, ban, ngành cũng như nhân dân đánh giá cao.
Ghi nhận những thành tích mà nhiều thế hệ cán bộ, CNVCLĐ Bệnh viện Mắt Trung ương nỗ lực đạt được suốt 100 năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như các bộ ngành, địa phương đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007). Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện đã được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2016); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012); 4 Cờ thi đua cấp Bộ.
Bệnh viện liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, nhiều năm được công nhận là bệnh viện xuất sắc toàn diện và được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý khác.
Phát huy những thành tích đạt được suốt 100 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của CNVCLĐ Bệnh viện Mắt Trung ương, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện nhiều hơn nữa của Bộ Y tế để Bệnh viện Mắt Trung ương hoạt động hiệu quả hơn, chăm lo tốt hơn nữa cho bệnh nhân, nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành y tế.
Mai Thảo