Bác sĩ hơn 30 năm gắn bó với ngành truyền máu
22/04/2021 - 13:27

TĐKT - Vào tháng 11, năm 2020 tại Hà Nội, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng, Viện huyết học - Truyền máu Trung ương; Phụ trách Trung tâm máu Quốc gia vinh dự là 1 trong 50 cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong buổi lễ Tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Bác sĩ Dương không chỉ gắn bó hơn 30 năm với rất nhiều đóng góp cho ngành truyền máu, mà còn tích cực hiến máu và tiểu cầu 68 lần vì người bệnh.

Chân dung bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương

Truyền máu là một trong những chuyên khoa đặc biệt trong ngành Y. Ở lĩnh vực này, có những bác sĩ làm những công việc thầm lặng, ít người trong xã hội biết đến. Đây vừa là một chuyên khoa thuộc ngành Y, lại vừa có tính chất như ngành Dược. Các bác sĩ không khám bệnh, họ chỉ cung cấp thuốc cho bệnh nhân - một loại thuốc đặc biệt được điều chế từ máu. Trên 30 năm gắn bó với lĩnh vực huyết học - truyền máu, bác sĩ Phạm Tuấn Dương chia sẻ, công việc mà ông và các đồng nghiệp đang theo đuổi được ví như những việc thầm lặng ở hậu trường.

Mọi người thông thường chỉ biết tới hoạt động truyền máu qua công tác vận động tuyên truyền hiến máu từ người khỏe mạnh, nhưng không nghĩ đằng sau đó là một quá trình phức tạp. Một đơn vị máu hiến có thể được điều chế ra nhiều chế phẩm giúp cứu sống nhiều người bệnh khác nhau. Để chuyển máu tới khoa lâm sàng thì từng đơn vị máu đã trải qua quy trình xét nghiệm, bảo quản nghiêm ngặt, giúp người bệnh giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV, giang mai, sốt rét, viêm gan B, viêm gan C…

“Một điểm khác so với những bác sĩ ở chuyên khoa khác, đó là chúng tôi không đứng trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị cũng như hưởng trực tiếp niềm vui của bệnh nhân. Chúng tôi chỉ đứng trong hậu trường, nhìn những thành quả của mình và đồng nghiệp ở lâm sàng khi người bệnh được điều trị thành công” - Bác sĩ Phạm Tuấn Dương chia sẻ.

http://vienhuyethoc.vn/wp-content/uploads/2020/05/33c88a8b4771bd2fe460-1024x683.jpg

BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tình nguyện hiến máu 68 lần

Chia sẻ về kỷ niệm những ngày mới vào nghề, bác sĩ Phạm Tuấn Dương kể, khi còn là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Bạch Mai vào những năm 1980, ông được phân công vào Khoa Truyền máu. Lúc đầu, ông rất thất vọng vì không được trực tiếp khám chữa bệnh mà chủ yếu làm công tác xét nghiệm, điều chế máu. Nhưng khi bác sĩ Dương gặp một ca bệnh bệnh nhân nữ chuyển dạ có tiền sử sinh lần 1 không giữ được con do bất đồng nhóm máu. Ở lần thứ 2 này, đứa bé ra đời nhưng có chuyển biến rất xấu. Trước đây 30 năm, chuyên khoa Truyền máu vẫn còn thô sơ và bác sĩ Dương chưa hề có nhiều kinh nghiệm trong việc cứu chữa. Song với trực giác mách bảo, bác sĩ Dương đã quyết định tự tay điều chế máu và tiến hành thay máu toàn bộ cho bé. Với 3 lần thay máu, trải qua hơn 6 tiếng, cháu bé vượt qua thời khắc thập tử nhất sinh và cuối cùng được cứu sống.

Sau ca cấp cứu kỳ tích đó, bác sĩ Phạm Tuấn Dương và các đồng nghiệp đã liên tục vượt qua những chặng đường dài của lĩnh vực truyền máu Việt Nam từ việc đơn giản như cải tiến những chiếc bình thủy tinh điều chế máu bằng lực ly tâm, mày mò cách phân tách thành phần máu đến đề tài phức tạp như điều chế tủa lạnh yếu tố VIII điều trị bệnh nhân mắc bệnh ưa chảy máu (Hemophilia).

Bản thân bác sĩ Dương trong suốt hơn 30 năm qua đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện công nghệ sản xuất và chuẩn hóa các chế phẩm máu sử dụng trong điều trị các bệnh về máu và chuẩn hóa một số sản phẩm huyết tương, khối tiểu cầu tiêu chuẩn quốc tế dành cho điều trị bệnh; phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan vận động nhân dân tình nguyện hiến máu, hiến các thành phần máu, hiến tế bào gốc trong phạm vi cả nước nhằm tiếp nhận được hàng vạn đơn vị máu và tăng chất lượng đơn vị máu tiếp nhận để kịp thời cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân và dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, với cương vị là người quản lý, Phụ trách Trung tâm máu Quốc gia, bác sĩ Dương đã tham mưu cho Bộ Y tế trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực huyết học - truyền máu; triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn của châu Âu, AABB (Ngân hàng máu Hoa Kỳ) vào hoạt động Trung tâm Truyền máu tại Bệnh viện; tham mưu mô hình kiểm tra, giám sát Hệ thống chất lượng lĩnh vực huyết học và truyền máu trên phạm vi cả nước; hướng dẫn an toàn truyền máu lâm sàng gồm: Sử dụng hợp lý máu và các sản phẩm máu, lập kế hoạch nhu cầu sử dụng máu của bệnh viện, theo dõi, giám sát công tác an toàn truyền máu, cảnh báo nguy cơ truyền máu...

Nghe câu chuyện do mọi người truyền tai nhau trong viện, có thời kỳ, Viện trưởng phải cắt cử một đồng chí thường xuyên túc trực nhắc nhở bác sĩ Dương ăn uống đúng giờ, vì nhiều lúc say mê nghiên cứu và làm việc ông đã quên ăn ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Anh Phan Hữu Quang - Phó Trưởng phòng Quản lý Chất lượng cho biết: “Bác sĩ Dương là một người rất tận tụy, làm việc hết sức mình đến mức nhiều khi quên ăn, quên giờ đi về. Cảm giác chúng tôi còn trẻ nhưng nhiều khi cũng không theo kịp”.

Là người được bác sĩ Dương dìu dắt chuyên môn, chị Đỗ Thị Hiền - Phó Trưởng Khoa Điều chế các thành phần máu chia sẻ: “Thời gian đầu, dụng cụ còn thô sơ, tôi có điều kiện theo giúp việc bác sĩ. Với tinh thần chăm sóc bệnh nhân chu đáo, bác sĩ đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi về lòng yêu nghề. Tôi vẫn kể cho các bác sĩ trẻ mới vào nghề về tấm gương của thầy mình”.

Bác sĩ Dương luôn tâm niệm rằng, là một bác sĩ, một người Đảng viên, mình sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ và ngành nghề nào cũng cần cái tâm cống hiến: “Cần phải có người định hướng tiêu chuẩn, yêu cầu, cần bố trí những người có năng lực, chuyên vào lĩnh vực này. Chứ nếu điều một bác sĩ làm việc chế phẩm máu thì sẽ có người chán và có người vượt qua được cái chán ấy hoặc không. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu có thiện ý, biết cách làm tốt việc của mình thì cũng sẽ thu được không nhiều thì ít những thành công”.

Với những cống hiến và nỗ lực không mệt mỏi của mình, bác sĩ Phạm Tuấn Dương vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Tố Như