TĐKT – Sáng 23/5, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nền nông nghiệp bền vững”.
Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nền nông nghiệp bền vững”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn coi nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Lãnh đạo Học viện luôn quan tâm, sâu sát và có những động viên kịp thời với hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa, các nhóm nghiên cứu mạnh.
Hội thảo là hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam (24/5/1959 – 24/5/2019). Hội thảo được tổ chức với mục đích nghiên cứu để tiếp tục thừa nhận và khẳng định những giá trị to lớn trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp và quan trọng hơn là hướng tới vận dụng và phát triển tư tưởng của Người trong bối cảnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ các tổ chức, viện nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng đã tập trung ý kiến thảo luận về các khía cạnh: Nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp; nghiên cứu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững; nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam…
Tham luận tại Hội thảo, TS. Bùi Thanh Tuấn, Cục khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an khẳng định, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là hệ thống những quan điểm, lý luận toàn diện và sâu sắc được rút ra từ thực tiễn cách mạng; từ sự kế thừa và phát triển những kinh nghiệm, truyền thống đặc sắc của dân tộc và trí tuệ của thời đại nhằm xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất manh mún, lạc hậu tiến dần lên nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; có khả năng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động.
Tư tưởng của Người về phát triển nông nghiệp trở thành kim chỉ nam cho hành động, đã và đang được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng, phát triển nền nông nghiệp ở Việt Nam.
Người coi phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn giải quyết mọi vấn đề xã hội. Người từng nói “Vì nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Người đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, để không ngừng đáp ứng được nhu cầu cái ăn, cái mặc và cải thiện đời sống người nông dân và để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo TS. Bùi Thanh Tuấn, phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam theo tư tưởng của Người cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và cải thiện đời sống nông dân; đồng thời giải quyết vấn đề dư thừa lao động hay thời điểm nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần….
Theo TS. Lê Thị Lý, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, để nước ta trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển bền vững, cần quan tâm đến nhiều vấn đề, trong đó, người nông dân Việt Nam phải thay đổi thói quen và tập quán sản xuất cũ manh mún và đơn lẻ, tự nguyện và cần gia nhập các chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn xác định để được Nhà nước bảo vệ trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Người nông dân cũng cần được đào tạo về kiến thức nông nghiệp, kỹ năng lao động… để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường trong mọi khâu của quá trình sản xuất. …
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, bàn về nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay; việc sử dụng đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định….
Ông Ma Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, người chủ trì Hội thảo đánh giá: Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo sẽ giúp Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền nông nghiệp nói chung rút ra được các kết luận quan trọng về vai trò của các tác nhân xã hội, bên cạnh các tác nhân kinh tế đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
Mai Thảo