BTĐKT - Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng, coi thi đua yêu nước là biểu hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất đạo đức cách mạng của người Việt Nam yêu nước. Việc tổ chức và triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua đã tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua từ trung ương đến địa phương. Đây cũng là điều kiện tốt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân tham gia, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động thi đua năm 2022 và ký kết giao ước thi đua năm 2023
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước bắt nguồn từ sự ra đời của chế độ mới. Mỗi người lao động, dù là lao động trí óc, lao động sản xuất, hay lao động quản lý có lòng yêu nước, yêu chế độ đều nhận thức được: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc. Nội dung cốt lõi, cũng như bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, biến lòng yêu nước thành hành động cụ thể, thiết thực. Theo Người, thi đua không chỉ là hoạt động sáng tạo, tích cực trong lao động, trong công việc hằng ngày mà nó trở thành hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, là biểu hiện của tinh thần đấu tranh cách mạng, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả, biến thi đua thành sức của dân tộc trong lao động sản xuất và trong chiến đấu. Quan niệm thi đua là yêu nước được thể hiện ở việc lấy thi đua làm động lực phát huy tinh thần yêu nước, động lực đó được thể hiện bằng hành động thực tế; ngược lại lấy lòng yêu nước để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thi đua.
Đại diện lãnh đạo Hội đồng TĐKT Trung ương, các địa phương chứng kiến ký kết giao ước thi đua các tỉnh Cụm thi đua đồng bằng sông Hồng năm 2023
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện thắng lợi các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra việc tổ chức hoạt động của các cụm, khối thi đua sẽ góp phần quan trọng để đánh giá năng lực làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm đã xác định. Việc tổ chức hoạt động của các cụm, khối thi đua do cơ quan có thẩm quyền thành lập cụm, khối thi đua chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện. Cụm, khối thi đua ở trung ương do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức và hướng dẫn hoạt động. Ở cấp bộ, ban, ngành và các địa phương căn cứ tình hình cụ thể sẽ do bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cùng cấp thành lập và chỉ đạo hoạt động. Qua nghiên cứu tổ chức hoạt động của các cụm, khối thi đua hiện nay, có thể khái quát vai trò tổ chức hoạt động của các cụm, khối thi đua như sau:
Một là, hoạt động cụm, khối thi đua có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và trong cả nước nói chung. Trên cơ sở hoạt động của các cụm, khối thi đua, các cơ quan, tổ chức đơn vị đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua phạm vi toàn quốc hoặc của bộ, ban, ngành, địa phương, đồng thời phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung giải quyết những khâu khó, việc khó, những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương đều tổ chức các phong trào thi đua đúng như lời Bác Hồ dạy: Ngành ngành thi đua, người người thi đua, tiêu biểu như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"... Phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong Quân đội nhân dân; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong lực lượng Công an nhân dân; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân, viên chức, người lao động; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Đặc biệt, đã có những phong trào thi đua mang tính chiến lược, dài kỳ đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, góp phần tạo bước chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương "Người tốt, việc tốt", nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa trong xã hội và tiếp tục thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển ở khắp các vùng, miền, hải đảo xa xôi, lĩnh vực, địa phương trong cả nước.
Hai là, việc tổ chức hoạt động cụm, khối thi đua đã tạo ra những “sân chơi” với những thành viên tham gia tương đối đồng đều và có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ hoặc vị trí địa lý, điều kiện phát kinh tế, xã hội… từ hoạt động của cụm, khối thi đua, các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ hội cùng nhau trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, so sánh giữa các đơn vị, tìm ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để có các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình hoạt động cụm, khối thi đua, các đơn vị thành viên cũng có cơ hội cọ sát, phát huy khả năng sáng tạo trong triển khai tổ chức phong trào thi đua; chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong chỉ đạo, quản lý cũng như tổ chức công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cũng như các phong trào thi đua của cụm, khối thi đua và của cả nước.
Ba là, thông qua các hoạt động chung của cụm, khối thi đua, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục nhận thức rõ hơn nữa về vị trí, vai trò của phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng; là một phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của Nhà nước và là động lực thúc đẩy, góp phần phát huy tính sáng tạo, đoàn kết, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với công tác thi đua, khen thưởng và hoạt động của cụm, khối thi đua. Trên cơ sở hoạt động của cụm, khối thi đua giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng giải quyết các vấn đề chung, trọng tâm, cần có sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bốn là, hoạt động cụm, khối thi đua cũng là cơ sở giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp có cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; qua đó tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, đồng thời đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Hoạt động cụm, khối cũng là cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương một cách công khai, khách quan, là cơ sở để xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Với vai trò quan trọng của đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nói chung và đổi mới tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua nói riêng đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, sự đồng lòng hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thành công cuộc đổi mới đất nước./.
ThS. Nguyễn Công Hoan