BTĐKT - Sáng 26/1, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thi đua, Khen thưởng (TĐKT) và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, từ điểm cầu chính Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tại Hà Nội tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Dự hội nghị, có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban; lãnh đạo Sở Nội vụ, Vụ Tổ chức Cán bộ, lãnh đạo các Ban, Phòng TĐKT của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và toàn thể công chức ngành thi đua, khen thưởng.
Đồng chí Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương cho biết: Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật TĐKT. Ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT. Hội nghị được tổ chức nhằm kịp thời triển khai các thể chế về công tác TĐKT tới hệ thống tổ chức cán bộ là lãnh đạo, công chức các ban (phòng) TĐKT thuộc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị làm công tác TĐKT của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến, hướng dẫn các nội dung cơ bản của Luật TĐKT năm 2022, Nghị định số 98/2023/NĐ-CP
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Phòng III) đã phổ biến, hướng dẫn các nội dung cơ bản của Luật TĐKT năm 2022, Nghị định số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 Chương, 96 Điều. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, chế định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và công tác cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.
Luật TĐKT năm 2022 có những điểm mới nổi bật: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc: Thành tích đến đâu, khen đến đó; đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi đua; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; giải quyết vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; giải quyết căn bản những vướng mắc trong tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Nghị định gồm 10 Chương, 117 Điều. Các quy định của Nghị định tập trung quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng cho cá nhân có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó điều chỉnh các chức danh khen thưởng quá trình cống hiến và bổ sung thêm các chức danh được khen thưởng quá trình cống hiến theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị; tập trung quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác của người đứng đầu theo Chỉ thị số 34 –CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và đảm bảo nguyên tắc “Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh” được quy định trong Luật TĐKT năm 2022.
Đặc biệt, Nghị định tập trung quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục khen thưởng, không quy định thời điểm trình hồ sơ khen thưởng theo công trạng để đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ danh hiệu thi đua để phù hợp với đặc thù của đơn vị, lĩnh vực đặc thù; bỏ quy định phải có báo cáo kết quả kiểm toán khi đề nghị khen thưởng đối với doanh nghiệp; bỏ quy định phải có văn bản xác nhận thuế, bảo hiểm, môi trường; giao bộ, ban, ngành, tỉnh xin ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình khen thưởng để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp, phân quyền. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính về TĐKT nhằm đảm bảo khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời động viên, khuyến khích cá nhân là ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, tàn tật, nông dân, công nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp nhằm nâng cao vai trò tham mưu của Hội đồng cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về thi đua, khen thưởng…
Phương Thanh