TĐKT - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng (TĐKT) và triển khai công tác TĐKT năm 2018.
Toàn cảnh Hội nghị
Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Cùng dự có các đồng chí là thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo tổng kết 13 năm thi hành Luật TĐKT; đại diện cơ quan chuyên trách TĐKT các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khai mạc Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương cho biết: Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 và được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013. Sau 13 năm thực hiện, Luật được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trên cơ sở các quy định của Luật, vai trò quản lý nhà nước về TĐKT được tăng cường, công tác TĐKT dần đi vào nền nếp, các phong trào thi đua đã thực sự góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của bộ, ngành, địa phương. Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu, rộng trong cả nước. Công tác khen thưởng kịp thời động viên, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, công tác…
Các quy định của luật là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về TĐKT; là cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT; tạo sự thống nhất, bình đẳng trong công tác khen thưởng, khắc phục bệnh thành tích, nâng cao rõ rệt chất lượng khen thưởng. Qua đó, nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác TĐKT trong cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân được nâng lên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương Trần Thị Hà báo cáo tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn. Công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các thành phần kinh tế. Luật xây dựng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng chưa phù hợp ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng còn chủ yếu tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ. Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng cho đông đảo quần chúng (công nhân, nông dân, trí thức...).
Luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích trình tự từ thấp đến cao. Một số chủ trương của Đảng về thi đua, khen thưởng chưa được thể chế hóa; một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính...
Bộ máy tổ chức ngành TĐKT chưa ổn định. Công tác kiện toàn tổ chức chưa đi đôi với việc bố trí và xây dựng chức danh, tiêu chuẩn cán bộ nên việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác TĐKT kém hiệu quả...
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Về kết quả công tác TĐKT năm 2017, đồng chí Trần Thị Hà cho biết: Năm qua, công tác TĐKT có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT, tạo sự đồng bộ trong hệ thống văn bản. Các phong trào thi đua được tổ chức, triển khai bài bản, đổi mới về nội dung và hình thức, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.
Công tác khen thưởng đảm bảo kịp thời. Khen thưởng người lao động trực tiếp được quan tâm. Khen thưởng thành tích kháng chiến được tập trung thực hiện tốt. Việc tuyên truyền các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới được tăng cường. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Năm 2017, Ban TĐKT Trung ương đã trình Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho 82.944 trường hợp, trong đó khen niên hạn cho lực lượng vũ trang 49.287 trường hợp (chiếm 59,42%), khen thưởng thành tích kháng chiến 14.283 trường hợp (chiếm 17,22%), khen cống hiến 5.044 trường hợp (chiếm 6,08%), khen thưởng đối ngoại 138 trường hợp (chiếm 0,17%), khen thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 14.192 trường hợp (chiếm 17,11%) trong đó khen chuyên đề, đột xuất 2.323 trường hợp (chiếm 2,8%), khen cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, công tác 1.472 trường hợp (chiếm 21% trên tổng số cá nhân được khen thưởng phát triển kinh tế - xã hội).
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những kết quả đạt được trong 13 năm thi hành Luật TĐKT. Công tác TĐKT đã đạt nhiều tiến bộ, đổi mới, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên qua thời gian thi hành, đã xuất hiện những bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị
Năm 2018, để hoàn thành thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác TĐKT cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TĐKT, đổi mới mạnh mẽ công tác TĐKT. Hệ thống cơ quan tham mưu cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò trong công tác TĐKT trên cả nước. Chú ý phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Tổ chức các phong trào thi đua có mục tiêu thiết thực, cụ thể, có tính đột phá, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Công tác TĐKT cần góp phần tôn vinh giá trị xã hội, chú trọng các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai.
Công tác khen thưởng kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn làm thước đo khen thưởng. Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp ở cơ sở. Chú ý khen thưởng, vinh danh nhà khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng và và phát triển đất nước. Quan tâm khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho cộng đồng, nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Việc khen thưởng, tôn vinh đảm bảo khách quan, chính xác.
Công tác TĐKT phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện suy thoái, tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 khóa 12 của Đảng.
Đối với hệ thống cơ quan nhà nước, các phong trào thi đua phải gắn với xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển nhằm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Phương Thanh