Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ; Nguyễn Hữu Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trong nước.
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Đặng Xuân Hoan phát biểu đề dẫn Tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh, Tọa đàm khoa học nhằm làm rõ những công lao và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Đảng, dân tộc và cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi về cuộc đời và sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của một chiến sĩ cộng sản đã dâng hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân tộc. Thiết thực góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại các điểm cầu trực tuyến
Với hơn 10 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Tọa đàm đã làm nổi bật nhiều nội dung trọng yếu, phác họa một cách đầy đủ nhất về con người, cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bao gồm: các nhân tố khách quan và chủ quan hình thành nên Người cộng sản kiên cường Võ Nguyên Giáp; cuộc đời hoạt động và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng, cùng những cống hiến xuất sắc đối với việc kiến tạo nền móng cho quá trình hình thành và phát triển của ngành Tổ chức nhà nước.
TS Trần Thị Bích Lan, Ban Tổ chức cán bộ (Học viện Hành chính Quốc gia) trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với 103 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng và hơn 70 năm tuổi Đảng “đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta”. Đại tướng được biết đến là một thiên tài quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, người “Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “vị tướng của nhân dân” và là một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự vĩ đại của thế kỷ XX , được nhiều chính khách, tướng lĩnh và nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế kính trọng, nể phục. Vì thế, nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ người dân Việt Nam mà cả thế giới biết đến một vị tướng tài ba, lỗi lạc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Ông đã có những hoạt động và cống hiến to lớn trong việc khởi tạo nền móng cho quá trình phát triển ngành Tổ chức nhà nước khi đảm nhiệm cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) giai đoạn 1945 - 1946.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà nho đức độ tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, kỷ niệm 110 năm (25/8/1911-25/8/2021) Ngày sinh vị Tướng tài ba của dân tộc Việt Nam, thông qua những tài liệu lưu trữ lịch sử, chúng ta cùng nhau ôn lại một thời kỳ, một giai đoạn mà vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Việt Nam đã đóng góp cho dân tộc, cho đất nước, đặt nền móng cho ngành Nội vụ: Củng cố, xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước; bảo vệ thành quả cách mạng, góp phần làm cho đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và hôm nay đang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
TS Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước phát biểu tại Tọa đàm.
TS Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước phát biểu tại Tọa đàm.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong nội các của Chính phủ lâm thời có 13 bộ và Bộ Nội vụ là một trong số đó, người được giao trọng trách làm Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Nhân dân, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là lo việc nội trị của đất nước khi mới 34 tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ gắn liền với những dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước từ khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hình ảnh của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng, mẫu mực, đức độ, một nhân cách lớn, hết lòng vì nước, vì dân, những đóng góp, cống hiến của đồng chí là vô cùng quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng ngành Tổ chức nhà nước, công tác chính quyền dân chủ nhân dân, đặc biệt là công tác cán bộ và tổ chức cán bộ trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.
Ngay sau khi đảm nhận trọng trách quan trọng nhất của Bộ Nội vụ, đáp lại sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã đem hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết, tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh có tính chất pháp quy ở nhiều lĩnh vực khác nhau để quản lý, điều hành đất nước, như xoá bỏ các chính sách của bộ máy chính quyền thực dân phong kiến, giải tán các tổ chức chính trị phản động; bỏ thuế thân; tổ chức hệ thống các cơ quan của chính quyền mới; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân và thành quả cách mạng. Đặc biệt, được sự tin tưởng, tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được phép thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời với danh nghĩa là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp ký nhiều sắc lệnh quan trọng để kịp thời hướng dẫn, quản lý, điều hành đất nước.
PGS.TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trình bày tham luận tại Tọa đàm.
PGS.TS Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Theo thống kê, mặc dù trên cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ trong khoảng 06 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946), song đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành khoảng 100 sắc lệnh, trong đó đồng chí thay mặt cho Chủ tịch Chính phủ trực tiếp ký 30 sắc lệnh. Đây chính là minh chứng sinh động, cụ thể cho vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Các sắc lệnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã mang lại nhiều lợi ích cho một đất nước còn non trẻ. Thực tế đã cho thấy sự cần thiết và tính đúng đắn từ chủ trương đến hướng dẫn thực hiện, tổ chức, xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, vấn đề giáo dục, tôn giáo, xã hội mà các sắc lệnh đã ban hành. Những đóng góp to lớn ấy của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã đặt nền móng và để lại nhiều giá trị đến hôm nay cho nền công vụ, công chức phục vụ Nhân dân.
Mặc dù giữ cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ trong thời gian không dài, song với tài năng, trí tuệ, tâm huyết và tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo tài ba, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giải quyết một khối lượng công việc là rất đồ sộ, những vấn đề quan trọng có ý nghĩa nền tảng, then chốt về bộ máy hành chính và tổ chức nhân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của một nhà nước non trẻ lúc bấy giờ. Đặc biệt, đồng chí đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ ban hành một loạt các sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền từ Trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ và quản lý điều hành đất nước theo chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời kỳ 1945 - 1946 đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Tấm gương tận tụy, cống hiến hết mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân của đồng chí sẽ mãi là tấm gương để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và các thế hệ trẻ Việt Nam học tập, phấn đấu noi theo./.
Theo tcnn.vn