Tinh thần, khí thế của những phong trào thi đua yêu nước trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
09/04/2018 - 15:03

TĐKT - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông đất nước thu về một mối, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại đó là thành quả của nhiều nhân tố hợp sức tạo thành, trong đó không thể không nói đến tinh thần, khí thế của các phong trào thi đua yêu nước.

Tinh thần, khí thế của những phong trào thi đua yêu nước trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh ngoan cường, ý chí không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Có thể kể đến hàng loạt những phong trào thi đua yêu nước trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước: Phong trào “Ba nhất” trong quân đội; phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp và thi đua hợp tác xã Thành Công trong thủ công nghiệp; phong trào “Hai tốt” trong giáo dục; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong; phong trào “Ba đảm đang”; phong trào “Ba quyết tâm”… 

Cùng với đó là phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” do Trung ương Cục miền Nam phát động ngày 25/3/1963 nhằm động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ phát huy chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho), đánh bại Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”….

Những phong trào thi đua yêu nước đó như lời hịch, lời hiệu triệu, kêu gọi, động viên tinh thần mọi người hãy gạt bỏ mọi lợi ích riêng tư, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đấu tranh bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc vàng mà tiên tổ đã vun đắp, tạo dựng.

Tất cả những phong trào đó đã tạo thành sức mạnh vô địch mà không vũ khí nào có thể ngăn được. Khát vọng thống nhất non song đất nước đã hoà quyện, thống nhất với ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân thù, trở thành ngọn hải đăng soi đường, chỉ lối cho các phong trào thi đua yêu nước đi đúng hướng và đúng mục đích của nó, đạt được những mục tiêu, nội dung mà các phong trào đề ra, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Có thể dễ dàng nhận thấy tinh thần, khí thế của các phong trào thi đua yêu nước trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, góp phần bồi dưỡng và củng cố niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động; bồi dưỡng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; khơi dậy ý thức tự giác, tính tích cực ở mọi người.

Các phong trào ấy là động lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị; có tác dụng làm cho đường lối cách mạng nhanh chóng thấm sâu vào thực tiễn; qua đó góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân nâng cao giác ngộ cách mạng, trình độ văn hóa, kỹ thuật, năng lực chiến đấu, lao động sản xuất.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, bộ đội có thêm sáng kiến về kỹ thuật - chiến thuật; công nhân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, vật liệu; nông dân phát triển thủy lợi, cải tiến nông cụ, khai hoang mở rộng diện tích; trí thức đóng góp kết quả nghiên cứu khoa học; thanh niên tăng thêm nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng xung phong chiến đấu; phụ nữ đảm đang việc nhà, xông pha việc nước; văn nghệ sĩ cho ra đời nhiều tác phẩm cổ vũ tinh thần cách mạng.

Tinh thần, khí thế của các phong trào thi đua yêu nước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã phát triển đến độ thăng hoa, rực rỡ, trở thành ngọn nguồn của mọi thắng lợi, đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của địch, lập nên những chiến công vĩ đại trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đúng 11h 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng của ta đã húc đổ cánh cửa vào Dinh Độc lập và lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên nóc nhà của Dinh Độc lập đã báo hiệu cho sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, gian khổ. Lời nguyện ước của Bác Hồ và cũng là mong muốn, khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam đã được thực hiện là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, Bắc - Nam sum họp một nhà”.

43 năm đã trôi qua nhưng tinh thần và sức sống của những phong trào thi đua yêu nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi không bao giờ phai, mãi là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, ý chí lao động, chiến đấu sục sôi, khẩn trương, tiếp thêm năng lượng, sức mạnh để con người vượt qua khó khăn, gian nguy, vươn lên giành thắng lợi trong chiến đấu và lao động sản xuất.

Phát huy tinh thần đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay đã xuất hiện và có tác dụng tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng nhân dân lao động. Tiêu biểu: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Doanh nghiệp Việt Nam  hội nhập và phát triển; đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Phát huy tinh thần, khí thế của những phong trào thi đua trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn thể dân tộc Việt Nam đã và đang dồn tâm sức, trí tuệ của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của đất nước; đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, thực hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; cùng những chỉ tiêu, nội dung mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã đề ra. 

Nguyễn Tú Anh