Đến dự, có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trình bày dự thảo Báo cáo giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, nêu rõ: 6 tháng đầu năm, công tác thi đua, khen thưởng đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội… Các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời; quan tâm hơn trong việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được tập trung thực hiện và đạt kết quả tốt.
Về công tác khen thưởng, 6 tháng đầu năm, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 55.599 tập thể, cá nhân.
Tuy nhiên, hiệu quả một số phong trào chưa cao, có nơi còn hình thức. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong công tác khen thưởng, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân thành tích chưa thật sự tiêu biểu, xuất sắc, chưa tạo được sự chuyển biến trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng kịp thời…
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trình bày dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương giai đoạn 2016 – 2021, với 10 nội dung hoạt động trọng tâm. Trong đó, nổi bật là hoạt động: tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong các phong trào thi đua. Trao “Cờ Thi đua của Chính phủ” cho các bộ, ngành, địa phương dẫn đầu các cụm, khối thi đua vào dịp kỷ niệm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc ( ngày truyền thống thi đua yêu nước 11/6) hàng năm. Tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/2018). Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (tháng 12/2020). Tổng kết 10 năm phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua (ngày 11/6/2020). Hội nghị trực tuyến Tổng kết phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng hàng năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng năm sau (cuối tháng 12 hàng năm).
Trao đổi về công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới, các thành viên Hội đồng cho rằng, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần phát động phong trào tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ thực thi công vụ, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Cần có các tiêu chí cụ thể để khen thưởng bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, tránh đánh giá thi đua bằng cảm tính; cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ việc đề nghị khen thưởng tập trung hướng vào người lao động, công nhân, nông dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: thời gian tới cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa chỉ thị của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, Khen thưởng và Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về thi đua, khen thưởng, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội: thi đua lao động giỏi, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường, động lực mới cho phát triển. Cần thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thực hiện tốt phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng yêu cầu lượng hóa, với các tiêu chí cụ thể trong đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua phải xác định cụ thể nội dung, biện pháp thực hiện, phong phú về hình thức, bám sát nhiệm vụ được giao. Công tác khen thưởng cần công khai, minh bạch, thực chất, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định về tổ chức các giải thưởng, tránh tình trạng trao giải tràn lan, hình thức, “chạy” giải thưởng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các sai phạm trong công tác thi đua, khen thưởng; làm tốt công tác tuyên truyền, tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng.