TĐKT - Từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách khen thưởng người có công với cách mạng như Bằng Có công với nước, Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến… đặc biệt là chính sách đối khen thưởng đối với những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Chính sách khen thưởng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đã được thực hiện từ năm 1994 thế kỷ XX cho đến nay và sẽ còn tiếp tục thực hiện ở những năm tiếp theo, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, của Nhà nước và cộng đồng xã hội, nhằm ghi nhận, tôn vinh những bà mẹ bản thân là liệt sĩ, có chồng, con là liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Thực hiện Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 1994 và Nghị định 176-CP ngày 20 tháng 10 năm 1994, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước, trong đó có các bà mẹ tiêu biểu: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam có 9 con, 1 rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ; Mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận, Bình Thuận có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Mẹ Trần Thị Mít ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị có 9 con là liệt sĩ; Mẹ Nguyễn Thị Rành, ở Phước Hiệp, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Nguyễn Thị Dương ở Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị có 8 con thì 5 con là liệt sĩ (3 người con khác là: Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy).
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua dư luận, nhân dân và cộng đồng xã hội rất hoan nghênh chính sách này của Nhà nước, từ đó đã dấy lên phong trào thi đua xây “Nhà tình nghĩa”, nhận phụng dưỡng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với với các bà mẹ còn sống, neo đơn…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh về Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 giữa Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 10 tháng 10 năm 2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo văn bản của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 22/2/2018, sau 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 2013, cả nước đã có 81.687 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (trong đó phong tặng 11.895 Bà mẹ, truy tặng 69.792 Bà mẹ). Nhìn chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cơ bản hoàn thành chính sách này.
Tuy nhiên, qua văn bản của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình, kết quả thực thi chính sách, qua trao đổi với lãnh đạo các địa phương trong chỉ đạo thực hiện, cả nước còn khoảng 4.500 trường hợp chưa được làm thủ tục đề nghị.
Các trường hợp này hầu hết là vướng mắc trong quy định về đối tượng, thủ tục hồ sơ dẫn đến việc xét duyệt tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều thân dân của các bà mẹ đang làm thủ tục đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" tỏ ra rất bức xúc, đã đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương mình gửi câu hỏi chất vấn Chính phủ, thành viên của Chính phủ trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hoặc làm đơn thư gửi trực thiếp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trả lời, làm rõ.
Để có giải pháp khắc khục những tồn tại trên, cần phân tích những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi chính sách ưu đãi danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" trong quy định Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 giữa Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 10 tháng 10 năm 2104).
Thứ nhất, việc giao Bộ Quốc phòng chủ trì, xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" 2013 là chưa đầy đủ.
Do Bộ Quốc phòng không quản lý hồ sơ liệt sĩ, không quản lý chế độ người có công với cách mạng nói chung và "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nói riêng nên việc thu thập thông tin về liệt sĩ, tình hình thực hiện chế độ liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình liệt sĩ để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP có nhiều điểm chưa sát với thực tiễn (Nghị định 176 NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 1994 trước đây hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 1994 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tham mưu).
Thứ hai, tại Khoản 1 Điều 2Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về đối tượng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng":
“Điều 2. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
“1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:
a) Có 2 con trở lên là liệt sĩ;
b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;
d) Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;
đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
Người con là liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật.
Người chồng là liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.
Thương binh quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần.
Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Trường hợp quy định tại Mục b, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 chỉ quy định người mẹ có 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh trên 81% đủ tiêu chuẩn đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nhưng không quy định đối với trường hợp bà mẹ có 2 con là thương binh trên 81%.
Thứ ba, qua quá trình triển khai thực tế, tại địa phương còn có rất nhiều đối tượng mà Nghị định 56/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP chưa bao quát đến. Những đối tượng này cũng được thân nhân làm thủ tục đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", đó là:
- Bà mẹ có 1 con chồng và 1 con đẻ là liệt sĩ.
- Bà mẹ là người nước ngoài lấy chồng Việt Nam hoặc là người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, có 2 con đẻ là liệt sĩ;
- Bà mẹ có chồng là liệt sĩ nhưng không có con với người đó, lại có con duy nhất ngoài giá thú là liệt sĩ;
- Bà mẹ có 4 người con trong đó 2 con đi lính Việt Nam cộng hòa, 2 con thoát ly đi cách mạng. 2 con đi tham gia cách mạng hy sinh được công nhận là liệt sĩ, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công;
- Bà mẹ có 2 chồng (chồng trước và chồng sau) là liệt sĩ;
- Bà nội, bà ngoại có công nuôi dưỡng cháu là liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ;
- Bác, cô, dì, thím, mợ có công nuôi dưỡng cháu là liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ.
Thứ tư, tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2104 quy định về đối tượng đề nghị Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" trong đó có mẹ kế trong khi Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ không quy định.
Mặc dù vậy, trường hợp người mẹ kế được làm thủ tục đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" như trong Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP quy định, thì tiêu chuẩn mẹ kế lại phải nuôi 2 con chồng trở lên mới được đề nghị. Điều này đã gây bức xúc trong xã hội và nhân dân đối với những bà mẹ chỉ nuôi 1 con chồng (trường hợp liệt sĩ là con độc nhất của chồng).
Thứ năm, theo phong tục tập quán của Việt Nam trước đây, việc cho, nhận con nuôi chỉ bằng sự đồng ý của bố mẹ hai bên nên không có căn cứ để chứng minh là mẹ nuôi, con nuôi.
Vì vậy, bổ sung những thủ tục để công nhận bà mẹ nhận liệt sĩ là con nuôi trước đây theo quy định Luật con nuôi mới được ban hành năm 2010 là không thực hiện được, hiện tại chỉ căn cứ vào biên bản họp của dòng họ, gia đình và xác nhận của chính quyền địa phương.
Căn cứ như vậy cũng không đảm bảo chính xác vì nhừng người thân trong gia đình thuộc thân nhân được ưởng quyền, lợi, chính sách của bà mẹ nếu được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Như vậy cần có căn cứ gì để xác nhận mà mẹ là mẹ nuôi của liệt sĩ khi lập hồ sơ đề nghị khen thưởng (Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2104).
Thứ sáu, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2104 chưa quy định đối tượng, thủ tục đối với những bà mẹ của liệt sĩ có đủ tiêu chuẩn nhưng đã định cư ở nước ngoài hoặc định cư và từ trần ở nước ngoài. Thủ tục đối với các bà mẹ từ Nam vĩ tuyến 17 từ Quảng Trị trở vào, khi có 4 người con, trong đó 2 con đi lính Việt Nam Cộng hòa, 2 con thoát ly tham gia cách mạng, 2 con tham gia cách mạng hy được công nhận là liệt sĩ, đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Thứ bảy, việc thực hiện chế độ giữa bà mẹ được phong tặng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" khác với bà mẹ được truy tặng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Cụ thể:
“Bà mẹ được phong tặng thì được hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.118.000 đồng, bà mẹ được truy tặng thì được hưởng trợ cấp một lần là: 28.340.000 đồng (so sánh mức hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp một lần khác nhau). Điều quan trọng là các bà mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tuổi đã quá cao, không còn sống được bao nhiêu lâu nữa.
Thứ tám, các bà mẹ còn sống có thể được tặng 1 ngôi nhà tình nghĩa và có người chăm sóc nếu neo đơn. Trong trường hợp bà mẹ có con cháu ở cùng, phụng dưỡng, đến khi bà mẹ mất con cháu cũng không được sử dụng ngôi nhà đó mà có thể bị nhà nước thu lại sử dụng vào mục đích công cộng khác.
Thứ chín, do đặc điểm vùng miền nên trong số hơn 4500 bà mẹ chưa được làm thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu có hơn 200 bà mẹ của tỉnh Quảng Nam, phần lớn rơi vào các xã, huyện vùng sâu, vùng xa.
Việc triển khai thực hiện ở các huyện này chưa được tiến hành đồng bộ, khó khăn. Thêm vào đó, do yếu tố lịch sử, cao trào cách mạng, tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch khác nhau dẫn đến những căn cứ lịch sử khi xét danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cũng khác nhau.
Chính sách khen thưởng người có công với cách mạng nói chung và chính sách khen thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nói riêng được Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã ban hành là một chính sách đúng đắn, hợp với lòng dân nhằm ghi nhận, tôn vinh các mà mẹ có chồng, con và bản thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Tuy nhiên, qua quá trình thực thi chính sách ưu đãi này đã xuất hiện những bất cập, vướng mắc về đối tượng, thủ tục, chế độ ưu đãi như đã nêu ở phần trên.
Qua báo cáo của các tỉnh và tỉnh Quảng Nam, qua trao đổi với các lãnh đạo của các địa phương, qua phần phân tích ở trên, tôi xin đề xuất những giải pháp để khắc phục những hạn chế trong thực thi chính sách, giải quyết dứt điểm hơn 4500 trường hợp tồn đọng, chưa được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong đó có hơn 200 bà mẹ của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung Bộ Tài chính vào Ban soạn thảo xây dựng chính sách, sửa đổi một số nội dung trong Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 để thống nhất về chế độ ưu đãi giữa bà mẹ được phong tặng và truy tặng.
Thứ hai, bổ sung thêm những đối tượng sau vào Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về đối tượng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng":
“…- Bà mẹ là người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài;
- Bà mẹ có chồng là liệt sĩ nhưng không có con với người đó, lại có con duy nhất ngoài giá thú là liệt sĩ”.
- Bà mẹ có 1 con chồng và 1 con đẻ là liệt sĩ.
- Riêng đối với bà mẹ có 4 người con trong đó 2 con đi lính Việt Nam Cộng hòa, 2 con thoát ly tham gia cách mạng. Hai người con tham gia cách mạng hy được công nhận là liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Cần phải có quy định thêm về thủ tục xét thái độ chính trị của bà mẹ (ủng hộ hay chống đối cách mạng, hai con đi lính Việt Nam Cộng hòa vì nghĩa vụ bắt buộc hay tự nguyện trở thành tay sai, tề ngụy gian ác) mà xem xét, đề nghị.
Thứ ba, bãi bỏ quy định trong Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 về đối tượng là mẹ kế vì Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ không quy định đối tượng mẹ kế (Thông tư trái với Nghị định).
Thứ tư, mặc dù phát sinh trong thực tế triển khai nhưng không bổ sung đối tượng là bà nội, bà ngoại có công nuôi dưỡng cháu là liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ; bác, cô, dì, thím, mợ, chị ruột có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Cần phải giải thích cho nhân dân hiểu rõ những đối tượng trên thuộc đối tượng là thân nhân của liệt sĩ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2012, không được công nhận là mẹ nuôi (Luật Con nuôi 2012). Trường hợp đủ tiêu chuẩn thì mẹ đẻ của liệt sĩ cũng đã được đề nghị truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" rồi.
Không bổ sung đối tượng “Bà mẹ là người nước ngoài lấy chồng Việt Nam” vì không đúng với chủ trương về danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" khen cho người mẹ dân tộc Việt Nam và trái với quy định thân nhân đang hưởng chế độ gia đình liệt sĩ tại Việt Nam.
Thứ năm, bổ sung tiêu chuẩn đề nghị Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với:
- Bà mẹ có chồng trước là liệt sĩ, sau đó lấy chồng sau cũng là liệt sĩ;
- Bà mẹ có 2 con là thương binh trên 81%
Thứ sáu, bổ sung quy định về thủ tục đối với trường hợp liệt sĩ là con nuôi khi lập hồ sơ đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", bao gồm:
- Giấy báo tử trong đó có ghi tên bà mẹ (mẹ nuôi);
- Biên bản dòng họ của liệt sĩ (hoặc biên bản dòng họ xác nhận việc nhận nuôi liệt sĩ là đúng);
- Xác nhận của chính quyền địa phương về tính chính xác nội dung họp của dòng họ;
- Sổ hưởng chế độ trợ cấp gia đình liệt sĩ mà bà mẹ đó đang thụ hưởng nếu đang còn sống hoặc thân nhân của bà mẹ đang thụ hưởng trường hợp bà mẹ đó đã từ trần (chứng minh là thân nhân của liệt sĩ).
Thứ bảy, quy định thêm thủ tục đối với những trường hợp mẹ của liệt sĩ có đủ tiêu chuẩn nhưng đã định cư ở nước ngoài hoặc đã định cư và từ trần ở nước ngoài, cụ thể:
- Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với trường hợp bà mẹ đó định cư ở nước ngoài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh phải tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản gửi Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao xác nhận với 2 nội dung:
- Về thái độ chính trị của bà mẹ đối với Nhà nước Việt Nam;
- Về việc chấp hành pháp luật của Nhà nước sở tại (kể cả còn sống hay đã từ trần).
Thứ tám, bổ sung thêm quy định về việc con cháu, thân nhân đã có công chăm sóc "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" từ lúc còn sống đến khi từ trần được hưởng phần chế độ của bà mẹ để lại bao gồm nhà tình nghĩa, các chế độ thờ cúng hàng năm.
Thứ chín, bổ sung thêm quy định về hỗ trợ về tài chính, phương tiện trong việc triển khai chính sách này đối với những vùng núi khó khăn, những nơi có yếu tố lịch sử cách mạng phức tạp (cao trào cách mạng thay đổi theo từng giai đoạn khi bị địch khủng bố gắt gao) những yếu tố liên quan đến điều kiện thực hiện chính sách, nhận thức của người dân, số lượng các "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".... Hoặc bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan lao động, thương binh và xã hội, cơ quan thi đua - khen thưởng chủ động, phối hợp tiến hành các thủ tục với những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi làm thủ tục đề nghị khen thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thay cho thân nhân bà mẹ như đối với việc kê khai khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ (Thông tư Liên bộ số 44/LBXH giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Viện Huân chương).
Thứ mười, bổ sung thêm một nội dung trong Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 ngày 10 tháng 10 năm 2104 quy định thủ tục ủy quyền người thân đang thờ cúng bà mẹ đứng ra đại diện làm thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" là người được hưởng chế độ của bà mẹ khi có quyết định của Chủ tịch nước truy tặng.
Trên đây là một số nội dung cần được nghiên cứu, sửa đổi trong quá trình thực thi chính sách khen thưởng đối với các bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại.
Phùng Thị
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ông Trương Quốc Bảo (2010), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí minh về thi đua yêu nước trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thi đua, khen thưởng của Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội;
- Luận văn thạc sĩ của ông Nguyễn Hữu Đoạt: “Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác thi đua, khen thưởng ở Việt Nam hiện nay”.
- TS. Trần Hữu Nam (2010), Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Lịch sử thi đua, khen thưởng”;
- Ths. Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay". Mã số: 02/2010.
- Luận văn thạc sĩ của bà Dương Thị Thanh (2007): “Đổi mới quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương”;
- PGS. TS Nguyễn Thế Thắng, Chủ nhiệm đề tài: “Những vấn đề lý luận chung về thi đua, khen thưởng”, thuộc đề tài nhánh của đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay” năm 2012.
- Đề án: “Đổi mới công tác Thi đua - Khen thưởng” do Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì trình Bộ Chính trị.
- Một số tài liệu tham khảo như: “Kỷ yếu về Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và một số địa phương trong thời kỳ đổi mới”...
- Một số bài viết đăng trên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã đề cập các nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng làm đề tài nghiên cứu.
- Báo cáo tình hình thực hiện chính sách ưu đãi Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của các tỉnh, thành phố và tỉnh Quảng Nam.
- Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1993;
- Nghị định 176-CP ngày 23 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
- Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2012.
- Luật Con nuôi năm 2013.
- Luật Thừa kế 2015.
- Thông tư Liên bộ số 44/TBXH –VHC/LB của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Viện Huân chương hướng dẫn thực hiện chủ trương của Hội đồng Nhà nước về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
- Trao đổi nghiệp vụ tại hội nghị triển khai chính sách khen thưởng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” các địa phương và tỉnh Quảng Nam.
- Bài giảng của TS Nguyễn Khắc Bình, Tổng thư ký Hội đồng Khoa học Học viện Khoa học - Xã hội về thực thi chính sách công.
- Một số khái niệm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chính sách công và thực thi chính sách.