TĐKT - Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và bảo vệ môi trường (BVMT) đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, một hoạt động có tính xã hội sâu sắc và nhận được sự quan tâm của mọi cấp, mọi ngành, mọi quốc gia trên thế giới. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, BVMT là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đã, đang được triển khai sâu rộng ở các đơn vị trong toàn quân. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BVMT trong quân đội là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe bộ đội và hiệu quả hoạt động quân sự, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Nhiệm vụ BVMT của quân đội được đặt ra trên cơ sở tính chất đặc thù của hoạt động quân sự như đóng quân, canh phòng, huấn luyện, diễn tập; sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí - khí tài quân dụng; niêm cất bảo quản vũ khí, khí tài, vật tư, trang thiết bị; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... Phạm vi hoạt động của các đơn vị quân đội rất rộng lớn: trên đất liền, trên không, trên sông, biển, biên giới, hải đảo...; các hoạt động quân sự đặc thù này đều có những tác động nhất định đến môi trường sinh thái ở những mức độ khác nhau. Do đó, quân đội phải là lực lượng trực tiếp BVMT khu vực đóng quân, khu vực sản xuất, sửa chữa quốc phòng, trong các hoạt động y dược, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và diễn tập... Bên cạnh đó, trước yêu cầu nhiệm vụ có bước phát triển mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định quân đội còn là lực lượng nòng cốt của Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT quốc gia như: Khắc phục hậu quả tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học đioxin sau chiến tranh và ứng cứu sự cố môi trường…
Thực trạng công tác BVMT trong quân đội thời gian qua
Với phương châm “Ở đâu có hoạt động của bộ đội thì ở đó có hoạt động BVMT”, trong những năm qua, công tác BVMT đã được các cấp, các ngành trong toàn quân quan tâm và thu được những kết quả đáng kể.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT được các đơn vị đặc biệt coi trọng, với nhiều hình thức phong phú. Bộ Quốc phòng đã ban hành các văn bản pháp quy và tổ chức triển khai học tập Luật BVMT, quán triệt Chỉ thị của Bộ trưởng về nhiệm vụ BVMT trong quân đội cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân. Nhiều đơn vị đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm về BVMT, cuộc thi “Viết về môi trường trong quân đội”; tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới 5/6”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”; phát động thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch đẹp” giữa các đơn vị…
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực BVMT không ngừng được đẩy mạnh. Theo số liệu báo cáo của Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng, từ năm 2005 đến nay đã có gần 200 công trình cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng liên quan đến lĩnh vực BVMT được nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong thực tiễn như: Xử lý chất thải công nghệp, chất thải độc hại ở các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng; xử lý chất thải y tế ở các bệnh viện, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; xử lý nước sinh hoạt cho bộ đội… Bộ Quốc phòng đã triển khai, thành lập 3 trạm quan trắc môi trường thuộc mạng lưới quốc gia (Viện Hoá Học và Môi trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Hóa học; Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường biển - Quân chủng Hải quân; Viện Nhiệt đới môi trường - Viện Khoa học và công nghệ quân sự) nhằm kịp thời phát hiện, kiểm soát, giám sát ô nhiễm môi trường và triển khai các biện pháp xử lý sự cố môi trường. Một số đơn vị, nhà máy, cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự đã tiến hành quan trắc môi trường quân sự và tham gia quan trắc môi trường quốc gia, nghiên cứu công nghệ xử lý môi trường và triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường.
Bộ Quốc phòng cũng luôn tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước ASEAN; xây dựng và tổ chức lực lượng làm nòng cốt trong phòng, chống thiên tai và khắc phục sự cố môi trường; tham gia tích cực công tác xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường, rà phá bom mìn và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Đến nay các đơn vị hóa học đã điều tra được 283 huyện, quận, thị xã của 34 tỉnh và một số cụm kho, kho lớn của Tổng cục Kỹ thuật, các Quân khu: 4, 5, 7, 9; phát hiện, thu gom và xử lý hơn 344 tấn chất độc CS và vũ khí, đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có hơn 160 tấn chất độc CS và trên 184 tấn vũ khí, đạn dược chứa CS). Các khu kinh tế quốc phòng đóng quân ở địa bàn biên giới đã trồng mới, chăm sóc và bảo vệ được hàng chục nghìn ha rừng, tạo thêm việc làm cho hàng chục ngàn lao động là nhân dân vùng cao, vùng xa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho dân cư, ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh…
Những kết quả đạt được trong công tác BVMT của đơn vị quân đội đã góp phần cùng với các bộ, ngành và nhân dân giảm thiểu đảng kể tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường trong sạch cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BVMT trong quân đội cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện và còn tồn tại một số hạn chế như: Hoạt động môi trường quân sự còn thiếu quy hoạch tổng thể; việc xử lý một số sự cố môi trường bức xúc ở các đơn vị, cơ sở sản xuất quốc phòng, bệnh viện còn chậm; việc lồng ghép giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị đơn vị với việc thực hiện Luật BVMT và các quy định BVMT khác của Nhà nước còn nhiều bất cập; trình độ trang thiết bị, công nghệ sản xuất quốc phòng nhìn chung còn lạc hậu, có nơi công nghệ sản xuất quá cũ nên đã phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có chất thải quân sự gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc đầu tư các nguồn lực cho công tác BVMT chưa tương xứng; nguồn nhân lực chuyên trách cho công tác BVMT còn mỏng, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm; công tác BVMT ở một số đơn vị vẫn chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên và được coi trọng đúng mức; nhận thức về công tác BVMT của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ có nơi còn hạn chế, chưa ngang tầm…
Phát huy vai trò của quân đội với nhiệm vụ BVMT
Trước yêu cầu nhiệm vụ có bước phát triển mới đặt ra việc phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả BVMT trong quân đội. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật BVMT 2014; Điều lệ công tác BVMT và ứng phó với biết đổi khí hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 2015; Nghị quyết số 24-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Văn kiện Đại hội XII của Đảng liên quan đến công tác BVMT và khắc phục thực trạng BVMT, các đơn vị trong toàn quân cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác BVMT cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân; đưa nội dung BVMT thành chỉ tiêu thi đua ở các đơn vị. Các đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng nắm chắc các văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến BVMT, như: Luật BVMT, các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia BVMT... Khẳng định BVMT đối với quân đội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên - “một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền về công tác BVMT thông qua: Tuyên truyền miệng, các hội thi, hội thao, các hoạt động văn hóa văn nghệ…, lồng ghép giáo dục về BVMT trong các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị mình. Phát động các phong trào thi đua xây dựng “doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”; trồng cây gây rừng...
Xây dựng, bồi dưỡng điển hình, kịp thời biểu dương các đơn vị, doanh nghiệp quân đội đạt chuẩn quốc tế về môi trường, đủ điều kiện cấp chứng chỉ ISO 14001/2004; kiên quyết đấu tranh phê phán những việc làm sai trái, những hành vi phá hoại môi trường sinh thái, thực hiện quy định “Người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền xử lý BVMT”. Trong chương trình, nội dung đào tạo của các nhà trường quân đội, với tư cách là những đơn vị cơ sở, cần chú ý lồng ghép với nội dung BVMT và tích cực đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường mẫu mực, trực quan sinh động, phục vụ cho quá trình học tập của học viên.
Hai là, củng cố, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy và kiện toàn các tổ chức BVMT ở các đơn vị trong toàn quân. Thường xuyên nghiên cứu ban hành, cập nhật, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền. Kịp thời thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội về hoạt động BVMT phù hợp với điều kiện hoạt động của các đơn vị cơ sở. Hoàn thiện hệ thống văn bản, pháp quy về BVMT, nhằm tạo ra hành lang pháp lý cần thiết bảo đảm cho các đơn vị cơ sở đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác BVMT. Nghiên cứu đặc điểm môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội khu vực đóng quân, dự báo những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của bộ đội, qua đó có biện pháp BVMT sát thực. Cơ quan chức năng cần biên soạn, cung cấp tài liệu cho công tác học tập, tuyên truyền, giáo dục nhận thức về vấn đề môi trường cho các đơn vị cơ sở. Trong điều kiện không có cơ quan chuyên trách về công tác môi trường ở các đơn vị cơ sở, cần phải lồng ghép các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên theo chức trách với hoạt động BVMT một cách linh hoạt, sáng tạo.
Ba là, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ BVMT trong tất cả các hoạt động quân sự ở các cơ quan, đơn vị. Với tính chất đặc thù của các đơn vị quân đội, trong tất cả các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất đều cần phải tính toán đến các tác động tiêu cực đến môi trường từ đó đặt ra các tiêu chí, nhiệm vụ BVMT.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt của Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ khắc phục sự cố BVMT quốc gia, quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bom, mìn và vật nổ còn sót sau chiến tranh do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; gương mẫu đi đầu trong giữ gìn, bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học: trồng, bảo vệ rừng, cải tạo cảnh quan, phát triển các mô hình kinh tế kết hợp với quốc phòng; nghiên cứu các giải pháp phòng và chống khủng bố môi trường, phòng chỗng vũ khí hoá học, sinh học và hạt nhân…
Bốn là, xây dựng các tiêu chí cụ thể về BVMT sinh thái đối với các khu vực sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí, khí tài, trang bị và nơi ăn ở, sinh hoạt của các đơn vị cơ sở. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cơ sở. Việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí về BVMT sinh thái là một nội dung thi đua, bình xét khen thưởng hàng năm của các đơn vị cơ sở.
Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, các chuyên gia về lĩnh vực BVMT. Các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và huấn luyện nội dung BVMT trong các nhà trường quân đội; liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục về lĩnh vực môi trường cả trong và ngoài nước. Các đơn vị trong toàn quân cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo với đào tạo lại đối với cán bộ làm công tác BVMT, đặc biệt là những cán bộ trẻ. Có nhiều chính sách quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cao có kinh nghiệm trong thực tiễn, có nhiều đóng góp cho công tác BVMT.
Sáu là, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ BVMT và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về BVMT. Các cấp, ngành, đơn vị quân đội cần tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải quân sự, sử dụng nguồn năng lượng sạch, xử lý nguồn nước theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tích cực nghiên cứu khoa học và ứng dụng phát triển công nghệ phục vụ BVMT, ưu tiên giải quyết những yêu cầu bức bách về cải thiện chất lượng cung cấp nước sinh hoạt cho bộ đội, các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chuyển dịch các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm sang công nghệ sạch và thân thiện môi trường; thực hiện điều tra cơ bản và quan trắc môi trường ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp quân đội. Xây dựng các trạm quan trắc môi trường thuộc Viện Hoá Học và Môi trường Quân sự; Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường biển; Viện Nhiệt đới môi trường đủ năng lực phục vụ công tác BVMT cho các hoạt động quân sự và BVMT quốc gia. Nâng cao năng lực tham gia hoạt động quan trắc và giám sát môi trường (chất độc hóa học, phóng xạ, môi trường biển) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng và quốc gia.
BVMT trong quân đội là vấn đề rất cấp thiết, là nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, các đơn vị trong toàn quân cần quán triệt triển khai đầy đủ các nội dung cơ bản về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cần kết hợp chặt chẽ với công tác BVMT; mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp hoạt động BVMT với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động BVMT ở đơn vị mình, phấn đấu xứng đáng là lực lượng nòng cốt, và thực sự xứng đáng với chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, tiên phong trong hoạt động BVMT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Đỗ Phú