Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng ở các trường sĩ quan Quân đội hiện nay
26/03/2018 - 15:28

TĐKT - Ở các trường sĩ quan quân đội, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chiếm hơn 75% quân số; các tiểu đoàn, đại đội trực thuộc hầu hết cán bộ, học viên, chiến sĩ đều ở độ tuổi thanh niên.  Đây là lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ và có vai trò rất quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua quyết thắng của từng cơ quan, đơn vị. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thanh niên cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu: đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm", những năm qua, Đoàn Thanh niên ở các trường sĩ quan quân đội đã phát huy tốt vai trò xung kích của mình trong thực hiện phong trào thi đua và đạt được kết quả tích cực.

Tổ chức đoàn ở các trường sĩ quan quân đội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên. Xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phong trào thi đua quyết thắng, các cơ sở đoàn các nhà trường đã tích cực, chủ động tổ chức nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, ĐVTN nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua Quyết thắng (PTTĐQT) trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thông qua các hình thức sinh hoạt, diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, thi tìm hiểu…, ĐVTN hiểu rõ mục đích của PTTĐQT là xây dựng tổ chức, xây dựng con người và hướng tới hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Các tổ chức đoàn coi trọng xây dựng động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn cho ĐVTN, đây là yếu tố cơ bản đầu tiên, trực tiếp quyết định tính hiệu quả thiết thực của thi đua. Nhờ đó, các tổ chức đoàn và từng ĐVTN đã chủ động, cố gắng vươn lên bằng chính khả năng, sức lực của mình phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Thông qua Đài truyền thanh nhà trường, bảng tin, bảng ảnh, khẩu hiệu, báo tường, panô, áp phích để tuyên truyền, kịp thời thông tin, phản ánh về kết quả hoạt động thi đua và giới thiệu những cách làm hay, mô hình giỏi của Đoàn trong thực hiện PTTĐQT.

Thực tiễn cho thấy, các tổ chức đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn cho tuổi trẻ ở đơn vị, làm tốt công tác này là thiết thực hưởng ứng các nội dung, mục tiêu thi đua một cách tích cực, tự giác và hiệu quả cao; quyết tâm thi đua đúng thì phong trào phát triển mạnh mẽ, chống được tư tưởng ganh đua, chạy theo thành tích và những biểu hiện không lành mạnh của ĐVTN trong thực hiện PTTĐQT.

Các tổ chức đoàn đã bám sát nội dung, mục tiêu của PTTĐQT, tổ chức tốt việc đăng ký, cam kết, giao ước thi đua giữa các cơ sở đoàn và ĐVTN, xác định các hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn và đối tượng ĐVTN.

Từ chủ đề, nội dung, mục tiêu của PTTĐQT, ban chấp hành đoàn các cấp đã chủ động lập kế hoạch, xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, thời gian và biện pháp thực hiện; tổ chức cho cán bộ, ĐVTN đăng ký, cam kết, giao ước thi đua, xác định chỉ tiêu phấn đấu trong từng tuần, tháng, quý, từng nhiệm vụ. Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới, chọn chi đoàn làm điểm phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị. Các liên chi đoàn, chi đoàn tổ chức sinh hoạt mạn đàm trao đổi để ĐVTN dân chủ hiến kế, thảo luận xây dựng các chỉ tiêu và biện pháp thi đua. Thành lập các tổ, đội thi đua xung kích của Đoàn để kiểm tra chéo, chấm điểm thi đua hàng ngày, đề nghị với chỉ huy đơn vị đánh giá nhận xét kết quả thực hiện trong giao ban, chào cờ, sinh hoạt bình tuần và sinh hoạt đoàn.

Hàng tháng, hàng quý cơ quan Chính trị cùng với các đoàn cơ sở bồi dưỡng phương pháp tổ chức, duy trì phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ Đoàn, nhất là bí thư chi đoàn và các hạt nhân nòng cốt.

 Đoàn thanh niên thường tổ chức các đợt thi đua đột kích, thi đua cao điểm, nhằm nâng cao chất lượng học tập, công tác, phục vụ và khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Sau mỗi đợt thi đua đột kích tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả, tìm ra nguyên nhân và rút kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức tốt PTTĐ tiếp theo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc, động viên những tập thể và ĐVTN từ yếu kém đã vươn lên.

Các tổ chức đoàn ở các trường đều có "sổ vàng" ghi nhận và lưu giữ những kỷ lục, đỉnh cao trên các lĩnh vực thi đua; tôn vinh những tấm gương xuất sắc, những thành tích tiêu biểu của tập thể và cá nhân, tạo động lực cho phong trào thanh niên. Do đó, phong trào đoàn phát triển toàn diện, liên tục, rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi PTTĐQT, cán bộ và ĐVTN có tinh thần đoàn kết, thân ái, tương trợ giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Các tổ chức đoàn đã phát huy vai trò xung kích của thanh niên, xây dựng các mô hình hoạt động của Đoàn, tạo động lực, cổ vũ tuổi trẻ thi đua trên các lĩnh vực, với các nội dung và hình thức phong phú: Phong trào "thi đua dạy tốt, học tốt, tích cực sáng tạo"; cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; các đợt diễn đàn, tọa đàm "Học thực chất, thi thực chất, rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp" gắn với thực hiện chương trình hành động "ba nhất - hai không" (Học tập tốt nhất, thi kiểm tra kết quả cao nhất; rèn luyện kỷ luật nghiêm nhất - không chạy điểm, xin điểm; không vi phạm quy chế thi kiểm tra).

Để hỗ trợ cho ĐVTN nâng cao kiến thức, chất lượng học tập, Đoàn thanh niên đã đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Thi đua có nhiều giờ giảng tốt, bài giảng hay; chi đoàn giảng viên trẻ 3 tốt (Chuẩn bị bài giảng tốt, thục luyện thông qua bài tốt, thực hành giảng tốt); tổ chức các đôi bạn học tốt; tuần học tập kiểu mẫu của thanh niên; phương pháp học hay – ngày mai cùng tiến; ánh đèn đêm, học thêm ngoài giờ; câu lạc bộ học viên phấn đấu học giỏi; câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học; tổ cán sự học tập; đẩy khá, xóa kém, vươn lên giỏi và thực hiện những kỳ thi nghiêm túc; thao trường, giảng đường chính quy. Tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn trao đổi về tận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với từng đối tượng học viên…

Quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của các cấp về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, Đoàn thanh niên đã phát huy vai trò xung kích tổ chức các đợt hoạt động giáo dục pháp luật, kỷ luật và nếp sống văn hóa gắn với đợt thi đua thực hiện phong trào "3 xây, 4 chống, 5 không" (Xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, xây dựng ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật, xây dựng môi trường môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh). Tổ chức nhiều mô hình hoạt động thiết thực: Chi đoàn kỷ luật nghiêm; nhà ở thanh niên chính quy, xanh, sạch, đẹp; vọng gác thanh niên làm theo lời Bác; chi đoàn 5 không (Không vi phạm kỷ luật Quân đội, không vi phạm luật giao thông, không uống rượu, bia, không hút thuốc lá, không tham gia các tệ nạn xã hội).

Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Thanh niên tự giác, tự quản, tự rèn; thanh niên xung kích thực hiện nếp sống văn hóa; hội thi vẽ đẹp quân nhân; thi tìm hiểu 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân, qua đó góp phần tạo nên sự chuyển biến tiến bộ trong thanh niên về ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ chính quy, nếp sống dân chủ, văn minh; đồng thời khắc phục hiện tượng vi phạm kỷ luật, tăng cường tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, đoàn kết quân dân, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong phú.

 Phong trào thanh niên ở các nhà trường còn có nhiều hình thức hoạt động thực hiện tốt cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông", phong trào "Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy"; các hội thi tay nghề, hội thi xe sạch; xây dựng các chi đoàn phục vụ tốt, góp phần phục vụ nhiệm vụ dạy - học và bảo đảm đời sống cho bộ đội.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn thanh niên thực hiện thắng lợi PTTĐQT ở các trường sĩ quan quân đội, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của PTTĐQT.

Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định đến chất lượng PTTTĐQT và là yêu cầu khách quan. Cần chủ động và thường xuyên làm tốt công tác giáo dục để mọi đối tượng có nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của PTTĐ trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó đề cao trách nhiệm, khơi dậy lòng yêu nước, yêu mến nghề nghiệp, có quyết tâm thi đua đúng đắn. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về PTTĐ, từng bước khắc phục "bệnh hình thức và bệnh thành tích", thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi".

Hai là, coi hoạt động và các phong trào xung kích của Đoàn thanh niên là một bộ phận không tách rời của PTTĐQT.

 PTTĐQT chỉ đạo phong trào thanh niên trong Quân đội cả về nội dung và mục tiêu hoạt động, tạo ra môi trường để tổ chức đoàn và ĐVTN rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Ngược lại, phong trào thanh niên là một bộ phận của PTTĐQT ở đơn vị, do Đoàn thanh niên tổ chức, điều hành và hướng tới nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, đẩy mạnh thi đua xung kích, các cuộc vận động trong thanh niên nhằm phát triển PTTĐ cả bề rộng và chiều sâu, là phương pháp lấy phong trào nuôi phong trào.

Từ nội dung, mục tiêu của PTTĐQT phải cụ thể hóa thành các hoạt dộng xung kích của Đoàn, mang đậm mầu sắc tuổi trẻ, bảo đảm vừa sức và phù hợp với đối tượng thanh niên. Cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đoàn tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", "Thanh niên quân đội vươn tới những đỉnh cao", "Thanh niên quân đội tiến quân vào khoa học" và cuộc vận động "Thanh niên quân đội học tập và làm theo lời Bác", khơi dậy sức sáng tạo của tuổi trẻ, quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến, đỉnh cao, kỷ lục mới trong PTTN.

Hướng dẫn tổ chức đoàn đẩy mạnh các phong trào xung kích trong học tập, tự học, nghiên cứu khoa học gắn với rèn luyện toàn diện. Thông qua công tác thi đua, khen thưởng cần quan tâm phát triển tài năng trẻ, tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho tuổi trẻ được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Ba là, phát hiện và nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong thanh niên; phát huy vai trò xung kích của thanh niên đồng thời giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng của thanh niên.

Bác Hồ đã dạy: "Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là phương pháp… rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn". Phong trào là môi trường cho điển hình phát triển, điển hình là thực tiễn sinh động đóng góp kinh nghiệm thúc đẩy phong trào.

Để thực hiện điều đó, kinh nghiệm từ thực tiễn là phải bám sát phong trào thì mới kịp thời phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho điển hình tiên tiến phát triển. Phong trào thi đua sẽ không ngừng lớn mạnh khi các cá nhân, tập thể có thành tích được suy tôn, nhân rộng. Để phát huy vai trò xung kích của thanh niên đồng thời phải chăm lo giải quyết những nhu cầu chính đáng của thanh niên, tạo động lực tinh thần và vật chất thúc đẩy phong trào phát triển.

Bốn là, xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; phối hợp chặt chẽ phong trào thanh niên với phong trào của các tổ chức quần chúng khác trong đơn vị.

Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đội ngũ cán bộ đoàn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị là một nhiệm vụ của Đoàn. Đồng thời, hoạt động đoàn phải mang tính phong trào, thông qua các phong trào hành động làm "bà đỡ" cho trí tuệ, tiềm năng sáng tạo của thanh niên, xây dựng các mô hình hoạt động, tạo ra động lực, cổ vũ tuổi trẻ thi đua trên các lĩnh vực là một biện pháp chủ yếu góp phần thực hiện thắng lợi PTTĐQT gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Phong trào thi đua xung kích của Đoàn thường xuyên được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu, việc mới, việc khó, những nhiệm vụ mà lãnh đạo, chỉ huy đang quan tâm và trăn trở, những khâu yếu, mặt yếu của thanh niên đang cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Cùng với những nội dung, biện pháp trên, cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trước hết phải đổi mới về nhận thức. Tuyên truyền, quán triệt, giáo dục cho thanh niên nhận thức sâu sắc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhiệm vụ của nhà trường.

 Tiếp tục cụ thể hóa Luật Thi đua, khen thưởng và các nghị định bảo đảm đồng bộ, thống nhất; bổ sung, hoàn thiện quy chế thi đua, khen thưởng trong quân đội cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, khoa học nhằm góp phần thực hiện thắng lợi phong trào thi đua quyết thắng ở các trường đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Phan Thị Quỳnh Hoa