TĐKT - Thi đua ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 (SQLQ2) là phong trào tự giác, sôi nổi, rộng khắp, sáng tạo, chủ động của mọi người, mọi tổ chức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chi bộ, cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị, nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao có chất lượng, hiệu quả cao. Nắm vững và thực hiện tốt những vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức phong trào thi đua ở nhà trường hiện nay sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động thi đua của toàn trường .
Thời gian qua, trên cơ sở nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, Nghị định của Chính phủ, các Chỉ thị, Nghị quyết, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác thi đua, khen thưởng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chi bộ, chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tương đối tốt những vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức phong trào thi đua.
Do đó, phong trào thi đua ở nhà trường luôn sôi nổi, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị và toàn trường, góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nhà trường vững mạnh toàn diện.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức phong trào thi đua ở nhà trường còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy, chi bộ, chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị chưa gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện các nội dung, chỉ tiêu thi đua với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị; chưa phát huy tốt vai trò tự giác của quần chúng. Thực hiện công khai, dân chủ, gắn kết giữa thi đua với khen thưởng có lúc, có nơi còn yếu, còn biểu hiện chạy theo thành tích, tuyệt đối hóa khen thưởng. Việc nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được chú trọng đúng mức.
Thời gian tới, để phong trào thi đua ở Nhà trường có chất lượng, hiệu quả cao, cần nắm vững và thực hiện tốt một số vấn đề có tính nguyên tắc sau:
Thứ nhất, xây dựng chỉ tiêu, nội dung thi đua phải gắn với quán triệt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và xây dựng các tổ chức trong đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đây là vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua của mỗi cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị và toàn trường.
Thi đua là biện pháp tổ chức thực hiện tích cực, chủ động của các cấp ủy, chi bộ, chủ trì trong phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo của cá nhân, tập thể. Việc xác định phương hướng, nội dung, chỉ tiêu thi đua cần bám sát nhiệm vụ chính trị, yêu cầu xây dựng các tổ chức. Khi nhiệm vụ chính trị, yêu cầu xây dựng các tổ chức có sự phát triển, thì nội dung, chỉ tiêu thi đua cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Đánh giá hiệu quả phong trào thi đua, phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị và xây dựng các tổ chức của mỗi cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chi bộ, chủ trì với phát huy tính tự nguyện, tự giác của mọi cá nhân, mọi tổ chức.
Hoạt động thi đua luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chi bộ, cán bộ chủ trì các cấp. Mặt khác, thi đua đòi hỏi tính tự nguyện, tự giác, sáng tạo rất cao của mọi tổ chức, mọi cá nhân. Do đó, chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chi bộ, chủ trì với phát huy tính tự nguyện, tự giác cao của mọi người, mọi tổ chức thì thi đua mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Để thực hiện tốt vấn đề có tính nguyên tắc này, đòi hỏi các cấp ủy, chi bộ, chủ trì khi tổ chức thi đua phải quan tâm đến trình độ, năng lực, khả năng, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của mỗi con người, mỗi tổ chức. Phải có nghệ thuật vận động, giáo dục, thuyết phục để mọi người, mọi tổ chức phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong phong trào thi đua, bảo đảm mỗi cá nhân, mỗi tổ chức làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ, có hiệu quả, tránh chồng chéo.
Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức trách nhiệm, đem hết tài năng, trí tuệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu thi đua, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và hoàn thiện chính bản thân mỗi tổ chức, mỗi con người.
Thứ ba, thực hiện tốt dân chủ, công khai, đoàn kết cùng phát triển trong thi đua.
Dân chủ, công khai, đoàn kết cùng phát triển trong thi đua thể hiện bản chất của thi đua xã hội chủ nghĩa. Điều này phải được thực hiện ở mọi khâu, mọi giai đoạn thi đua, từ quán triệt, xác định nội dung, chỉ tiêu đến quá trình tổ chức thực hiện phong trào.
Muốn vậy, quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải xây dựng quy chế lãnh đạo, quy chế hoạt động và quy chế chấm điểm thi đua chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ, toàn diện; có thưởng, phạt (cộng, trừ) rõ ràng, phù hợp; bảo đảm mọi hoạt động của mỗi tập thể và cá nhân đều được đánh giá, chấm điểm một cách công bằng, công khai, rõ ràng.
Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy, chi bộ, chủ trì phải duy trì thực hiện chặt chẽ quy chế; kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp, những điểm mới nảy sinh để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Do đó, các cấp ủy, chi bộ, chủ trì cần lãnh đạo, chỉ đạo phát huy dân chủ, huy động tốt trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo của mọi cá nhân, mọi tổ chức trong xây dựng quy chế, cần phải để mọi người, mọi tổ chức bàn bạc cụ thể, tạo sự nhất trí cao.
Bên cạnh đó, tiêu chí của các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cũng phải được xác định ngay từ khi chuẩn bị phát động thi đua năm học hoặc mỗi đợt thi đua, để mọi người, mọi tổ chức đăng ký phấn đấu.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng.
Thi đua và khen thưởng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thi đua là tiền đề của khen thưởng, khen thưởng là động lực của thi đua. Thi đua mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và tập thể, phản ánh sự thống nhất giữa lợi ích vật chất với lợi ích tinh thần, khích lệ sự nhiệt tình, hăng say lao động sáng tạo, không chỉ vì lợi ích riêng của mỗi người mà còn vì lợi ích của cả tập thể.
Quá trình thi đua sẽ kích thích sự phát triển và bộc lộ tài năng của cá nhân và tập thể. Đồng thời, thông qua việc tặng thưởng cho tập thể, cá nhân điển hình những phần thưởng xứng đáng, mang lại niềm vui về phẩm giá được tôn vinh và sự hài lòng về lợi ích vật chất, sẽ tạo ra động lực to lớn thúc đẩy thi đua.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng thì khi đó, thi đua mới có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Do đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Nếu tuyệt đối hóa thi đua, sẽ làm giảm hiệu quả kích thích động lực, tuyệt đối hóa khen thưởng sẽ tạo điều kiện cho bệnh thành tích phát triển. Cả hai khuynh hướng trên đều làm cho thi đua giảm hiệu lực.
Trên cơ sở kết quả thi đua, tiến hành bình xét khen thưởng cần quán triệt tốt yêu cầu: Thành tích đến đâu, đề nghị khen thưởng đến đó. Bình xét khen thưởng phải khách quan, toàn diện, cụ thể, khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng tiêu chuẩn, đúng tỉ lệ quy định. Kết hợp hài hòa giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, chống tuyệt đối hóa từng mặt, làm sai lệch bản chất của khen thưởng.
Thứ năm, kịp thời phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực.
Thông qua thi đua sẽ xuất hiện những tập thể cá nhân điển hình. Do đó cần kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tuyên truyền và phát động phong trào học tập, đuổi và vượt các điển hình tiên tiến, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Bên cạnh đó cần kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, ganh đua, chạy theo thành tích, che giấu khuyết điểm…, kìm hãm sự tiến bộ chung của mỗi cá nhân, tập thể.
Thực hiện tốt những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho phong trào thi đua ở Nhà trường thực sự là động lực, huy động tài năng, trí sáng tạo, năng lực thực tiễn của mọi tổ chức, mọi cá nhân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Do đó, các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị cần vận dụng phù hợp, sáng tạo để phong trào thi đua thực sự trở thành phong trào tự nguyện, tự giác, đầy sáng tạo của mỗi tổ chức, mỗi con người.
Nguyễn Văn Bốn