Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay
29/08/2019 - 20:10

TĐKT - Ngày 28/8, tại Hà Nội, Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức diễn đàn khoa học “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”. Đến dự và chủ trì diễn đàn khoa học có Chủ tịch LHHVN Đặng Vũ Minh và Phó Chủ tịch LHHVN, đại biểu Quốc hội khóa 14 Nghiêm Vũ Khải.

Diễn đàn nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay

Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, Phó Chủ tịch LHHVN, đại biểu Quốc hội khóa 14 Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, đạo đức nghề nghiệp là những phẩm chất cần có của mỗi người theo đúng những quy tắc chuẩn mực của một nghề nhất định được cộng đồng xã hội thừa nhận. Đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc chi phối hành vi của một người hoặc một nhóm trong môi trường công việc. Giống như các giá trị, đạo đức nghề nghiệp cung cấp các quy tắc về cách một người nên hành động đối với người khác và các tổ chức trong một môi trường như vậy

Để các quy định đạo đức nghề nghiệp đi vào thực tế, cần phải thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như xét xử các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một hệ thống đầy đủ phải bao gồm tổ chức và quy chế, trong đó, tổ chức phải có khả năng hướng dẫn, giám sát, thu thập thông tin phản hồi và hoàn thiện các quy định.

Chính vì vậy, tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau tìm giải pháp để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, nhằm tạo ra môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, thúc đẩy hiệu quả năng suất lao động, củng cố niềm tin của nhân dân…

Nhìn chung ở lĩnh vực, ngành nghề nào bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế với những mức độ biểu hiện đa dạng, khác nhau.

Để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước nhằm tạo ra môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, thúc đẩy hiệu quả năng suất lao động, củng cố niềm tin của nhân dân, trước hết cần phải thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản:

Thứ nhất, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người lao động để họ hiểu sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của ngành nghề, từ đó bồi đắp tình yêu và tinh thần trách nhiệm với công việc được giao.

Thứ hai, hoàn thiện và kiện toàn hệ thống pháp luật của từng ngành nghề, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho việc khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người lao động cũng như cán bộ lãnh đạo quản lý.

Thứ ba, các cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, người lao động phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng ý thức, tinh thần đạo đức nghề nghiệp cho người lao động, không ngừng học tập kinh nghiệm quản lý nhân sự, nghệ thuật thu phục nhân tâm của các nước tiên tiến trên thế giới.

La Giang