Nâng cao hiệu quả xây dựng, nhân điển hình tiên tiến ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 hiện nay
26/06/2018 - 08:27

TĐKT - Công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến (ĐHTT) trong phong trào thi đua Quyết thắng (TĐQT) của quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói riêng là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng Nhà trường, quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nếu không có mô hình, ĐHTT thì phong trào thi đua chưa đạt được hiệu quả, chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Thời gian qua, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là việc xây dựng, nhân ĐHTT, Thường vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề ra chương trình hành động, kế hoạch và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng, nhân ĐHTT 5 năm (2015 - 2020).

Theo đó, các cơ quan, khoa, đơn vị đã quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, tập trung xây dựng và biểu dương gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới, nhất là ĐHTT trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những kinh nghiệm quý của các tập thể, cá nhân trên các mặt công tác của Nhà trường, những biện pháp bồi dưỡng và nhân ĐHTT của các cơ quan, khoa, đơn vị đã được phổ biến rộng rãi, nhân rộng trong toàn trường, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TĐQT, làm chuyển biến các mặt công tác, đồng thời là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong sạch, vững mạnh, Nhà trường vững mạnh toàn diện.  

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua, nhất là việc xây dựng, nhân ĐHTT ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, tác dụng của một số ĐHTT còn thấp, chưa tạo thành phong trào học tập, đuổi, vượt các gương ĐHTT trong các đợt thi đua. Một số cơ quan, khoa, đơn vị chưa chú trọng, nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điển hình mới; phong trào thi đua đơn điệu.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là một số cơ quan, khoa, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc phát hiện, xây dựng, nhân  ĐHTT, khi xét khen thưởng mới “đi tìm ĐHTT”; nhận thức, trách nhiệm một số cấp ủy, đảng viên chưa cao; nội dung, hình thức xây dựng, nhân ĐHTT chưa phong phú, chậm đổi mới...

Thực tiễn cho thấy, để có được nhiều ĐHTT, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng  ĐHTT. ĐHTT không có sẵn mà là kết quả của cả một quá trình tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện kiên trì, bền bỉ, thông qua hoạt động thực tiễn trong học tập, công tác, sinh hoạt hàng ngày và các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Do đó, để không ngừng nâng cao hiệu quả xây dựng, nhân ĐHTT ở Nhà trường ta hiện nay, bài viết xin đề xuất một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về việc xây dựng và nhân ĐHTT.

Đây là nội dung biện pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả xây dựng, nhân ĐHTT. Vì vậy, đảng ủy, các chi ủy, chi bộ khi ra nghị quyết lãnh đạo cần đánh giá đúng thực trạng ưu, khuyết điểm trong xây dựng, nhân ĐHTT, từ đó đề ra nội dung, biện pháp lãnh đạo chính xác, cụ thể, kịp thời. Mỗi đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong phong trào thi đua ở đơn vị.

Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn xây dựng Đảng bộ, các chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo đơn vị, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, nhất là việc xây dựng, nhân ĐHTT, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng việc ra nghị quyết đến tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.

Cùng với việc tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cần tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung, tinh thần cơ bản của Kết luận số 83-KL/TW ngày 30/8/2010 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X); Chỉ thị số 692/CT-BQP, ngày 24/12/2010 của Quân ủy Trung ương; Kế hoạch số 510/KH-CT, ngày 22/4/2011; Hướng dẫn số 694/HD-CT, ngày 30/5/2011 của Tổng cục Chính trị và các kế hoạch, hướng dẫn của Nhà trường về xây dựng, nhân ĐHTT, gắn với việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thông qua đó, làm cho các cấp, các ngành và mọi người nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của thi đua yêu nước và phong trào TĐQT, tạo sự thống nhất cao trong toàn trường về vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng, nhân ĐHTT, xem đây là việc làm thường xuyên, là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ, đơn vị; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự giác sống vì mọi người, sống vì tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Xây dựng động cơ thi đua trong sáng, đúng đắn, khơi dậy tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, ra sức thi đua trở thành những ĐHTT tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường.

Hai là, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức xây dựng, nhân ĐHTT  trong tổ chức phong trào TĐQT.

Đây là việc làm thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính trị viên, người chỉ huy các tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo cho các ĐHTT luôn có sự phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Nhà trường.

Nội dung xây dựng, nhân ĐHTT cần quán triệt và bám sát Hướng dẫn của Nhà trường, từ việc lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng đến nhân rộng ĐHTT; yêu cầu phải đạt được tính thiết thực, sâu rộng, phát triển đều khắp và bao quát được toàn bộ các nhiệm vụ của từng cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị.

Đặc biệt ở các khoa, cần quan tâm các đồng chí giảng viên trực tiếp giảng dạy, có cường độ huấn luyện cao; xây dựng các ĐHTT phải nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo sự chuyển biến vững chắc tình hình đơn vị, nhất là phải chuyển biến mạnh về dân chủ, kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy.

Hình thức phải có tính uyển chuyển, linh hoạt, gắn với chủ đề của phong trào thi đua, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, nội dung thi đua chung của Nhà trường và của toàn quân.  Chú trọng đổi mới về phương pháp, tác phong công tác; khắc phục triệt để biểu hiện phô trương hình thức trong xây dựng, nhân ĐHTT.

Khi tổ chức phong trào TĐQT cần kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích, thi đua cao điểm, gắn với các cuộc vận động lớn để các ĐHTT thể hiện hết khả năng phấn đấu vươn lên. Thường xuyên tổ chức tốt việc kiểm tra, chấm điểm thi đua theo kế hoạch và đột xuất. Tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để các ĐHTT trong phong trào thi đua liên tục được đổi mới và phát triển.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân tích cực tham gia xây dựng, nhân ĐHTT.  

Các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ) và hội đồng quân nhân các cấp trong Nhà trường có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng, nhân ĐHTT. Các tổ chức quần chúng trong Nhà trường là lực lượng đông đảo nhất, chiếm gần 80% quân số, là lực lượng chủ yếu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Do đó các tổ chức quần chúng vững mạnh là điều kiện tiên quyết thực hiện thắng lợi các nội dung, chỉ tiêu thi đua đề ra.

Thông qua hoạt động thực tiễn, các tổ chức quần chúng giúp lãnh đạo, chỉ huy tạo nguồn xây dựng những nhân tố mới, những ĐHTT để thúc đẩy phong trào TĐQT ngày càng phát triển. Do đó thông qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “5 không, 3 sạch”, “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới”... hướng hoạt động của các tổ chức quần chúng vào việc tuyên truyền vận động cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng trong tham gia đóng góp xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp xây dựng, nhân ĐHTT.

Bốn là, làm tốt công tác rút kinh nghiệm, phát động phong trào thi đua noi gương, học tập, làm theo ĐHTT.

Thông qua sơ, tổng kết phong trào TĐQT để kịp thời nêu gương các ĐHTT, có thể tổ chức cho các ĐHTT đến từng đơn vị phổ biến kinh nghiệm, kể chuyện phấn đấu, rèn luyện. Sau khi tuyên dương, nêu gương các ĐHTT, các cơ quan, khoa, đơn vị phải tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, làm theo, đuổi kịp và vượt các gương ĐHTT. Kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng, lấy kết quả thi đua làm cơ sở để xét khen thưởng, phát huy tác dụng của khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua.

Phong trào TĐQT của Nhà trường luôn gắn với việc xây dựng, nhân ĐHTT, đó là động cơ chính để phát huy cao độ sức lực, tài năng và trí tuệ, sức sáng tạo của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ, là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TĐQT, là việc làm thiết thực tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng Nhà trường vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Trần Chí Hùng