BTĐKT - Việc tổ chức và triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua đã tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua từ trung ương đến địa phương. Đây cũng là điều kiện tốt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân tham gia, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như của các bộ, ban, ngành, địa phương.
Hoạt động cụm, khối thi đua có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và trong cả nước nói chung. Trên cơ sở hoạt động của các cụm, khối thi đua, các cơ quan, tổ chức đơn vị đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua phạm vi toàn quốc hoặc của bộ, ban, ngành, địa phương, đồng thời phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung giải quyết những khâu khó, việc khó, những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất. Việc tổ chức hoạt động cụm, khối thi đua đã tạo ra những “sân chơi” với những thành viên tham gia tương đối đồng đều và có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ hoặc vị trí địa lý, điều kiện phát kinh tế, xã hội… từ hoạt động của cụm, khối thi đua, các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ hội cùng nhau trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, so sánh giữa các đơn vị, tìm ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để có các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua.
Các đơn vị trong Cụm thi đuacác tỉnhđồng bằng sông Hồng ký kết giao ước thi đua năm 2023
Những năm qua, các cụm, khối thi đua thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và có ý nghĩa, như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức khảo sát, tham quan thực tế để tham khảo, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến; phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ... Công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, bình xét, suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và các hình thức khen thưởng được thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, góp phần động viên các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, hoạt động của các cụm, khối thi đua còn có những bất cập, hạn chế: Các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua chưa đầy đủ, có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn; việc tổ chức cụm, khối thi đua chưa được triển khai động bộ và thống nhất tại các bộ, ngành, địa phương; chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc xây dựng nội dung tiêu chí thi đua, bình xét, chấm điểm trong cụm, khối chưa thống nhất, một số nội dung, tiêu chí thi đua và cơ cấu điểm còn chưa phù hợp, bất cập, cứng nhắc; một số chỉ tiêu định tính, chung chung, khó kiểm tra, thẩm tra, gây khó khăn trong đánh giá, bình xét, chấm điểm giữa các thành viên trong khối; việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các cụm, khối thi đua chưa thường xuyên; việc bình xét, suy tôn đơn vị dẫn đầu để đề nghị tặng Cờ thi đua hoặc các hình thức khen thưởng ở một số cụm, khối thi đua còn có biểu hiện hình thức, mang tính luân phiên… Do đó, để đổi mới tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện vừa là giải pháp, vừa là mục đích để đổi mới tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua. Bởi vì, đây là những chủ thể liên quan trực tiếp, có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, nội dung, cách thức tổ chức và triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua ở các cấp, các ngành và trong cả nước. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi đua, khen thưởng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của cụm, khối thi đua, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đã đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng: “Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng... Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở”. Các cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua cần nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và việc tổ chức, hoạt động của cụm, khối thi đua trong tổng thể đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nói chung, gắn trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, nhằm phát triển phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua phải được thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương, thường xuyên, cụ thể, kịp thời, nhất là ở cấp cơ sở, nhằm tạo sự chuyển biến đồng đều ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung tổ chức Hội nghị Sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Đề cao vai trò của các thành viên Hội đồng trong việc chỉ đạo, theo dõi hoạt động của các cụm, khối thi đua theo kế hoạch, trương trình công tác; tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cụm, khối thi đua, chỉ đạo thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoạt động cụm, khối. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (cơ quan thường trực của Hội đồng) tiếp tục nghiên cứu tham mưu và hướng dẫn về hoạt động của cụm, khối thi đua sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyên vọng, điều kiện thực hiện của từng cụm, khối thi đua, tăng cường các hoạt động chung, có chiều sâu, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua. Đối với cụm, khối thi đua của các bộ, ban, ngành, địa phương, căn cứ các quy định của pháp luật, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn việc tổ chức các cụm, khối thi đua thống nhất trong cả nước và hoạt động thực sự thiết thực, hiệu quả. Thường xuyên rà soát các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, kịp thời hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt khi có vấn đề phát sinh phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua.Điểm neo Hoàn thiện các quy định của pháp luật có vai trò quan trọng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tếĐiểm neo. Cần có sự nghiên cứu, quy định cụ thể các nội dung về cụm, khối thi đua trong các văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp thi hành luật, trong đó quy định rõ về thẩm quyền tổ chức cụm, khối thi đua; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua; nội dung hoạt động, phương thức chấm điểm và bình xét khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị dẫn đầu cụm, khối thi đua và các nội dung có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng trong tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua.Điểm neoĐể hoạt động của cụm, khối thi đua được thực hiện bảo đảm đúng quy định, mục đích, yêu cầu, cần quy định cụ thể để định hướng các nội dung hoạt động của cụm, khối thi đua; đồng thời để các hoạt động của cụm, khối thi đua được da dạng, phong phú, cũng cần có quy định mở cho phép các cụm, khối thi đua căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các hoạt động phù hợp, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua. Trên cơ thực tiễn hoạt động của cụm, khối thi đua, quy định một số nội dung hoạt động chủ yếu của các cụm, khối thi đua gồm: (1) Xây dựng quy chế hoạt động và nội dung, tiêu chí thi đua. (2) Ký kết giao ước thi đua và tổ chức triển khai phong trào thi đua. (3) Tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và hoạt động của cụm, khối thi đua. (4) Chấm điểm thi đua và bình xét và đề nghị khen thưởng cho các tổ chức, đơn vị, địa phương dẫn đầu hoạt động của cụm, khối thi đua. Ngoài ra, có thể quy định các hoạt động khác như: Hội thảo, tọa đàm, trao đổi nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng; kiểm tra chéo giữa các đơn vị thành viên trong thực hiện phong trào thi đua; tổ chức tham quan, học tập mô hình, điển hình tiên tiến; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Ba là, đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua. Đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua đòi hỏi phải đổi mới toàn diện đối với các nội dung nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cụm, khối thi đua và các phong trào thi đua trong cả nước, phù hợp với quan điểm định hướng của Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nói chung và đối với các cụm, khối thi đua nói riêng.Về xây dựng quy chế hoạt động và nội dung, tiêu chí thi đua.Quy chế hoạt động là cơ sở để tổ chức các hoạt động của cụm, khối thi đua, vì vậy xây dựng quy chế có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua. Để quy chế hoạt động của cụm, khối được đầy đủ, chặt chẽ, toàn diện, việc xây dựng các quy chế phải bảo đảm một số nội dung: Phải căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của cụm, khối thi đua cũng như từng thành viên, tạo cơ sở, nguyên tắc chung để tổ chức các hoạt động của cụm, khối thi đua. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị thành viên trong việc xây dựng quy chế hoạt động. Về ký kết giao ước thi đua và tổ chức triển khai phong trào thi đua. Trong đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua, việc ký kết giao ước thi đua và tổ chức triển khai phong trào thi đua là nội dung trọng tâm, có tính chất quyết định trong đánh giá hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua. Hoạt động của cụm, khối thi đua hiệu quả phải xuất phát từ chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua. Tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và hoạt động của cụm, khối thi đua.Công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và các hoạt động của cụm, khối được quy định trong quy chế hoạt động và là một trong những hoạt động chung của các cụm, khối thi đua, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã thống nhất đề ra và bàn các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Chấm điểm thi đua và bình xét khen thưởng.Chấm điểm thi đua, bình xét khen thưởng là hoạt động của cụm, khối thi đua, nhằm đánh giá, ghi nhận kết quả thực hiện phong trào thi đua và hoạt động của các đơn vị thành viên. Vì vậy, kết quả chấm điểm thi đua và bình xét khen thưởng phải phản ánh đúng kết quả, thành tích của các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc chấm điểm, bình xét khen thưởng thực hiện chính xác, kịp thời, đúng quy định sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích, thúc đẩy phong trào thi đua nói chung và hoạt động của các cụm, khối thi đua nói riêng.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Vai trò là cơ quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan thường trực, giúp việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các cụm, khối thi đua, thể hiện trên bốn nội dung chủ yếu: (1) Chủ trì tham mưu, nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng trong đó có các quy định về cụm, khối thi đua. (2) Đôn đốc, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua trong cả nước. (3) Tham mưu thực hiện công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát. (4) Trực tiếp tham gia các hoạt động của cụm, khối thi đua. Vì vậy, đổi mới tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức cụm, khối thi đua.
Hiện nay, tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp đang trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại, chưa được ổn định, thống nhất, việc xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, ảnh hưởng tới việc tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng nói chung và hoạt động của cụm, khối thi đua nói riêng. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần kịp thời quan tâm, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng được nhanh chóng, ổn định, theo hướng thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng thời quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng; đặc biệt, cần xác định và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua ở các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng và hoạt động của cụm, khối thi đua.
Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền tăng cường bố trí đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm chất lượng và số lượng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, có năng lực tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, có khả năng tổ chức vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước và có kinh nghiệm thực tiễn... Trong công tác tham mưu về tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, bên cạnh việc nắm vững kiến thức, nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng, công chức, viên chức cần phải nắm bắt, có hiểu biết toàn diện về các nội dung liên quan như: Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; vị trí địa lý, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...; có khả năng theo dõi, tổng hợp, kết nối trong quá trình hướng dẫn triển khai hoạt động của cụm, khối thi đua, từ đó đưa ra các nội dung tham mưu phù hợp, hiệu quả cho cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cụm, khối thi đua.
ThS. Nguyễn Công Hoan
Tài liệu tham khảo
Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Hà Nội.
Luật Thi đua, khen thưởng (2003), Nxb Lao động, Hà Nội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2005), Nxb Lao động, Hà Nội.
Luật Thi đua, khen thưởng (2022).