Sự tôn vinh của nhân dân là danh hiệu cao quý nhất
TĐKT- Vào hồi 18 giờ 09 phút, ngày 04/10/2013, trái tim Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ngừng đập. Dù biết trước ngày này sẽ đến, nhưng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với tổ tiên cũng khiến đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè năm châu không khỏi tiếc thương, đau đớn. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 2 ngày 12 và 13/10/2013. Ban lễ tang có 30 đồng chí, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Trong Điếu văn đọc tại Lễ Truy điệu Đại tướng vào sáng ngày 13/12/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn Đồng chí là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
Lễ Quốc tang Đại tướng được diễn ra trọng thể, những hình ảnh đọng lại trong đó là tình cảm, sự mến phục đối với Đại tướng và lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta. Hình ảnh hàng vạn người xếp hàng dài 40 km từ Thủ đô tới Sân bay quốc tế Nội Bài để tiễn biệt Đại tướng là minh chứng rõ nét nhất cho tình cảm của nhân dân đối với Đại tướng.
TP Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên gắn biển tên đường Võ Nguyên Giáp
Tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng yên nghỉ, đến nay, đã có hàng triệu lượt người tới viếng mộ Đại tướng và chắc chắn dòng người về viếng Đại tướng sẽ còn tiếp tục nối dài cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Theo đó, Đại tướng đã được tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh” và nhiều Huân, Huy chương cao quý của Việt Nam và quốc tế.
Dưới góc độ của người cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, chúng tôi thấy rằng, Đảng, Nhà nước cần có hình thức tôn vinh khác xứng đáng hơn ngoài những hình thức tôn vinh hiện có trong Luật Thi đua, khen thưởng để tôn vinh những bậc vĩ nhân kiệt xuất như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo Luật Thi đua, khen thưởng, “Huân chương Sao vàng” là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc hoặc cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với đất nước ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.
Luật Thi đua, khen thưởng cũng quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” để tặng cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; có đạo đức, phẩm chất cách mạng; danh hiệu “Anh hùng Lao động” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, Nhà nước cũng có những hình thức tôn vinh cống hiến của cá nhân: danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”; “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”...
Hình ảnh Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn luôn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ và phát huy. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, biết ơn với những lớp người đi trước, sự hy sinh của cha ông, những người có công sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi luôn trăn trở rằng, nếu Luật Thi đua, khen thưởng bổ sung thêm danh hiệu vinh dự Nhà nước “Anh hùng dân tộc” để tôn vinh Đại tướng mới xứng đáng với công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc. Đó không chỉ là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, mà còn là sự ghi nhận của toàn thể nhân dân ta đối với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi cuộc đời hoạt động của Đại tướng không chỉ gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ của Đảng và dân tộc, mà còn được nhân dân tiến bộ trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao: “... Đối với phong trào cách mạng thế giới, cống hiến của Đồng chí góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Tên tuổi của Đồng chí đã được thế giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình ngưỡng mộ, cảm phục” (trích Điếu văn tại Lễ Truy điệu).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi mãi mãi, một vị anh hùng của dân tộc đã trở về với đất mẹ để lại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và bạn bè năm châu sự tiếc thương vô hạn đối với một vị tướng kiệt xuất, lỗi lạc, suốt cả cuộc đời vì nước, vì dân. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta ra đi, mới lại được thấy những giọt nước mắt thấm đẫm tình người, thấm đẫm văn hóa dân tộc Việt Nam rơi nhiều đến thế. Những dòng lệ được rút ra từ trong gan ruột của người Việt Nam, nghẹn ngào, nức nở tiếc thương một con người, một nhân cách lớn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, hình ảnh của thế hệ trẻ Việt Nam - những chủ nhân tương lai của đất nước trong những ngày Quốc tang đã một lần nữa làm rạng lên tinh thần tự tôn dân tộc và sức mạnh của thế hệ trẻ ngày nay. Có thể, còn không ít sự hoài nghi về thế hệ trẻ nhưng qua việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, chúng ta lại đặt niềm tin lớn lao vào thế hệ trẻ của Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con xã Thanh Xương trong chuyến lên thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954-7/5/1975). Ảnh: Kim Hùng - TTXVN
Qua đó, những người làm công tác thi đua, khen thưởng như chúng tôi hy vọng một ngày nào đó, Đảng và Nhà nước sẽ có hình thức tôn vinh xứng đáng hơn đối với những bậc vĩ nhân kiệt xuất của dân tộc ta như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Trong lúc chờ đợi sự thay đổi của Luật Thi đua, khen thưởng, chúng tôi rút ra được một điều thật thấm thía: Sự tôn vinh của nhân dân là danh hiệu cao quý nhất, không có danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nào có thể sánh được.
Trần Danh Nam