Khẳng định giá trị lịch sử và hiện thực của Lời kêu gọi thi đua ái quốc
07/06/2018 - 09:07

TĐKT - Sáng 6/6, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (KHXHNVQS) tổ chức Hội thảo khoa học “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lịch sử và hiện thực”.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên lực lượng kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Để triển khai và thực hiện Chỉ thị này, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện KHXHNVQS nêu rõ: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết, xây dựng đất nước, mà còn có giá trị chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

70 năm đã trôi qua, nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thúc giục tinh thần thi đua yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Mục đích của Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn Viện; tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua quyết thắng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, xây dựng Đảng bộ Viện trong sạch, vững mạnh, Viện vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu, bài tham luận đã phân tích, làm rõ hoàn cảnh ra đời, những nội dung cơ bản, giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc; bài học về phát huy động lực tinh thần của thi đua; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ trong thi đua; định hướng nội dung, giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, đấu tranh tư tưởng lý luận, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Đức Anh