TĐKT - Sáng 7/6, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa Kinh tế tổ chức Chương trình Hội thảo khoa học “Tổ chức đào tạo theo tín chỉ – Nhận thức và hành động”.
Toàn cảnh Hội thảo
Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Hệ thống tín chỉ) là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia và trên thế giới. Nó còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước nó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới, phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình.
Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, thời gian học, sinh viên được cấp bằng khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định; do vậy họ có thể hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng tùy theo khả năng và nguồn lực (thời lực, tài lực, sức khỏe...) của mình.
GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Thuyết (TTTT)
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đưa ra đánh giá tổng quát về phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “Theo tôi được biết, tín chỉ là 1 phương thức quản lý người học bằng công nghệ từ các nước Âu, Mỹ cách đây 40 năm và du nhập vào Việt Nam được 20 năm trở lại đây, tuy nhiên chưa được quan tâm lắm. Có thể nói đây là một hình thức học tập đạt hiệu quả cao và theo kịp các nước trên thế giới. Tôi rất hoan nghênh Khoa Kinh tế đã có một sáng kiến vô cùng thuyết phục này. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả mọi mặt để chào đón hệ thống tín chỉ đến với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...”
TS Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Thuyết (TTTT)
TS Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng đưa ra tổng quan về đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “...Ở Việt Nam nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã nêu rõ: “ Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và nước ngoài”.
Theo chủ trương của Bộ GDĐT, năm 2011 là hạn cuối cùng để các trường liên quan phải chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thí điểm ở một số trường đại học trên cả nước, có không ít những vấn đề đặt ra. Vì vậy, sau khi tổng kết rút kinh nghiệm khi thực hiện Quy chế 43 thì Bộ GDĐT ban hành Quy chế số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế số 43 và có văn bản Hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/4/2014 hợp nhất 2 Quy chế 43 và 57...”
GS.TS Tô Xuân Dân – Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế đã nêu ra vai trò của giảng viên trong phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “...Trong phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên được lấy là trung tâm của quá trình đào tạo thì giảng viên là lực lượng quyết định toàn bộ quá trình tổ chức và triển khai thành công phương pháp đào tạo này. Giảng viên cần thay đổi quan niệm về đào tạo, dẫn đến thay đổi về phương pháp dạy học. Ngoài ra giảng viên cần phải chuẩn bị đầy đủ về nghiệp vụ sư phạm phù hợp với tinh thần của nền sư phạm tích cực, phải thay đổi định kỳ giáo trình và đầu tư nhiều thời gian để tự nghiên cứu sinh viên...”
Thu Hồng