TĐKT - Sáng 6/12, tại Trung tâm Hội nghị TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Dự án Luật thi đua Khen thưởng sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 phù hợp với thực tiễn. Theo đó, sau 15 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Một số phong trào thi đua còn hình thức, có phát động nhưng tổ chức thực hiện chưa hiệu quả, việc sơ kết, tổng kết và khen thưởng chưa kịp thời, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân. Tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc bình xét danh hiệu thi đua còn nể nang, cào bằng.
Về công tác thi đua, khen thưởng, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chủ yếu vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các cơ quan nhà nước; chưa bao quát đối tượng đông đảo là người trực tiếp lao động, sản xuất trong cả nước công nhân, nông dân, trí thức.
Các quy định về tiêu chuẩn còn định tính, phải điều chỉnh bằng Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện ở vùng miền, lĩnh vực khác nhau còn nhiều bất cập, vì vậy việc khen thưởng cho đối tượng này chưa được nhiều.
Về thủ tục, hồ sơ khen thưởng, một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính cụ thể. Một số hồ sơ đề nghị khen thưởng phải làm từ dưới cơ sở qua nhiều cấp mới lên đến cấp bộ, cấp tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ. Luật chưa quy định cụ thể về quy trình thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân khi cấp trên phát hiện có thành tích đột xuất tiêu biểu xuất sắc.
Thay mặt, ban tổ chức Hội nghị, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương, ghi nhận, đánh giá cao và tổng hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu để trình Chính phủ và Quốc hội vào tháng 6 năm 2020.
Đào Xuân Phúc