Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng "Đời sống mới"
04/07/2017 - 00:00

TĐKT - Sáng 4/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng "Đời sống mới" trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS,TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngày 3/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 44 thành lập Ban Trung ương vận động đời sống mới và một năm sau (ngày 20/3/1947), với bút danh Tân Sinh, Người cho xuất bản tác phẩm "Đời sống mới". Tác phẩm trình bày một cách cặn kẽ, cơ bản nội dung của đời sống mới, từ khái niệm, mục đích, đối tượng của đời sống mới; hướng dẫn cách thức thực hành đời sống mới trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể; định hướng phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới một cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

Hội thảo được tổ chức với mục đích thông qua tác phẩm làm sáng tỏ những cơ sở lý luận, giá trị thực tiễn để vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về "Đời sống mới" trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trong giai đoạn hiện nay.

Active Image

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: từ cuộc vận động "Xây dựng nếp sống mới" do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa III phát động năm 1980, đến cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" năm 1995 và nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" là những minh chứng thiết thực, biểu hiện sinh động cho mọi phong trào thi đua ái quốc trong thời kỳ mới của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Cuộc vận động đã tạo ra phong trào toàn dân thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, huy động hàng ngàn tỷ đồng góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Từ tháng  9/2010 đến nay, "Quỹ vì người nghèo" ở bốn cấp đã tiếp nhận trên 10.500 tỷ đồng, giúp sửa chữa và nâng cấp trên 1.400.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; tạo điều kiện hỗ trợ hàng triệu hộ nghèo khám, chữa bệnh, học tập, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, cả nước đã có 121.047 xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; 83,9% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 71,19% khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa; 87,7% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố có hương ước, quy ước được phê duyệt. Nhân dân đã trực tiếp đóng góp hàng ngàn tỷ đồng, hàng triệu ngày công, tích cực hiến công, hiến của tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến quý I/2017, cả nước đã có 2.656 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 29,76%; 33 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 huyện so với cuối năm 2016 và 18 huyện so với cuối năm 2015.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: có thể khẳng định, với tính chất toàn dân, toàn diện, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tiếp tục là minh chứng thiết thực trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới; thể hiện tính sáng tạo, kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm "Đời sống mới" trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, để thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, phải tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy sức sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức thực hiện của từng địa phương, đơn vị, cộng đồng và các hộ gia đình. Làm cho mỗi nội dung của cuộc vận động là cơ sở cho việc triển khai mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; hạt nhân củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; biểu tượng kết nối các phong trào thi đua ái quốc của mọi cấp, ngành, đơn vị; động lực khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo, thế mạnh của từng địa phương, vai trò tự quản của cộng đồng, tinh thần tự nguyện, tự giác của mọi người dân trong xây dựng và phát triển đất nước…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi về các nội dung: "Đời sống mới" - tác phẩm đặt nền móng cho xây dựng con người mới, văn hóa mới, xã hội mới; "Đời sống mới" - tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, thương dân, bài học quý giá trong tập hợp, vận động quần chúng nhân dân; "Đời sống mới" - tác phẩm khơi nguồn cho mọi phong trào thi đua yêu nước, nền tảng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.

Phương Thanh