Hà Nội tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng (2004 - 2017)
10/08/2017 - 16:35

TĐKT – Sáng 10/8, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của thành phố. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Sample Image

Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội.

Nét mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua của thành phố những năm qua là tổ chức các phong trào thi đua đặc thù theo ngành, lĩnh vực: “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; thi đua thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; thi đua “Năm trật tự văn minh đô thị”; thi đua "An toàn thực phẩm"; thi đua thực hiện “kỷ cương hành chính”; phong trào "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô"...

Từ năm 2004 đến nay có gần 5.000 mô hình thi đua do các đơn vị thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm, những khâu yếu, việc khó của các cấp, các ngành và của thành phố.

Công tác khen thưởng của thành phố ngày càng đảm bảo chất lượng, đã chú trọng việc cụ thể hóa chính sách khen thưởng được quy định trong Luật Thi đua, Khen thưởng để hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện. Qua đó, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới và dần dần đi vào nền nếp, chất lượng khen thưởng từ thành phố đến cơ sở được nâng lên rõ rệt.

Trong những năm qua, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Đến năm 2016, tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng.

Đã có cá nhân là nông dân, người dân lao động trực tiếp (không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước (7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn thành phố). Trong nhiều năm liền Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước.

Bộ máy những người làm công tác thi đua, khen thưởng từ thành phố đến các cấp, các ngành được quan tâm, kiện toàn theo các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chính trị, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế; đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.

Trong đó, đa số đại biểu cho rằng: bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng chưa được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm thường xuyên, còn thiếu các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả.  Các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, một số đơn vị chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

Việc vận dụng và đề nghị mức hạng khen thưởng còn nhiều lúng túng. Bình xét khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, cào bằng, mang tính luân phiên. Việc xét, công nhận lao động tiên tiến theo thẩm quyền cấp xã thực hiện chưa hiệu quả. Công tác phát hiện xây dựng, nhân rộng  các điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thường xuyên.
Active Image

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tích của TP Hà Nội đã đạt được trong triển khai thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng thời gian qua. TP đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát các nhiệm vụ chính trị nên chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được nâng cao.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung thực hiện 5 nội dung. Trong đó tiếp tục không ngừng kiến nghị, chủ động, sáng tạo tìm kiếm các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng,  gắn với thực tiễn đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô và đất nước.

  Tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa phong trào thi đua yêu nước, “Người tốt, việc tốt” và các phong trào khác gắn với việc thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục làm tốt công tác khen thưởng đặc biệt các đối tượng là người lao động và khen đột xuất; giải quyết dứt điểm khen kháng chiến.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trên địa bàn bám sát 5 nội dung của Phó Chủ tịch nước đã nêu; lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Đồng thời nhấn mạnh, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội trong thời gian tới tập trung vào  5 nội dung:  tập trung đổi mới hoạt động Cụm thi đua; đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp.

Mai Thảo