Giá trị tác phẩm “Đời sống mới” trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
09/05/2017 - 12:26

TĐKT - Sáng 9/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành tìm hiểu, nhận thức rõ hơn hoàn cảnh ra đời, nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giá trị hết sức to lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay. Qua đó, cảm nhận sâu sắc khát vọng cháy bỏng, trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp, sáng tạo, tầm nhìn vượt thời đại, kết đọng những giá trị nhân văn cao đẹp của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm ra đời tác phẩm “Đời sống mới”, đồng thời góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Active Image

Hội  thảo khoa học Quốc gia: “70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”

Cách đây 70 năm, tháng 3/1947, trong lúc cả nước vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm được Ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947. Ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự từ I đến XIX, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo cách hỏi – đáp. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản của đời sống mới, từ mục đích của đời sống mới, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể, cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

Nói về “Giá trị định hướng xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh giai đoạn hiện nay qua tác phẩm “Đời sống mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh nêu rõ: những nội dung nêu trong tác phẩm vẫn là những giá trị định hướng cho việc xây dựng đô thị trong thời buổi hiện nay cũng như xây dựng con người như là chủ thể duy nhất trong cuộc sống nói chung và trong đô thị văn minh nói riêng. Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng phân tích, tại một số nơi xảy ra tình trạng địa phương chỉ chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa thật sự chú trọng đến sản xuất, tăng mức thu nhập cũng như đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. “Trong tình hình đó, nếu không tỉnh táo xem xét mà cứ dễ dãi công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và cứ công nhận đô thị đạt danh hiệu đô thị văn minh thì chỉ là dối nhau. “Chớ làm dối” mà Hồ Chí Minh đã mong trong tác phẩm “Đời sống mới” từ năm 1947 vẫn còn như tiếng còi cảnh báo cho cuộc vận động ngày hôm nay”, Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” từ 70 năm trước đã tạo động lực to lớn cho cuộc kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nói riêng.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2016; đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng của nhân dân ở cả nông thôn và đô thị. Các cấp, các ngành đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò dân chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, góp ý cán bộ, đảng viên.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng phân tích thảo luận một số nội dung về xây dựng nền văn hoá mới hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới”; công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam mới… Bên cạnh việc phân tích những giá trị lý luận của tác phẩm “Đời sống mới”, các đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành phố khẳng định thời gian qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực song cũng còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy rõ hơn những quan điểm, tư tưởng của Người trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để đạt được mục tiêu.

Mai Thảo