TĐKT - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm mà chiến tranh để lại vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt, với thương binh, liệt sĩ thì âm hưởng hào hùng của những trận đánh năm xưa đã trở thành những kỷ niệm không thể nào phai mờ. Việc lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày tri ân các Anh hùng, liệt sĩ sẽ là thông điệp trao truyền cho hậu thế về những đóng góp của những Anh hùng, liệt sĩ cho dân tộc, khơi dậy trong mỗi người con đất Việt niềm tự hào về quá khứ oai hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, củng cố, bồi đắp ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân Việt Nam.
Thế hệ trẻ thành kính thắp hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “.... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Ngày 28/5/1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.
Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức Lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày để tri ân các thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ. Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày Thương binh toàn quốc thành ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để từng bước tri ân những Anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Từ năm 2007 đến năm 2017, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Thời gian qua, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sĩ; an táng tại 3077 nghĩa trang trong cả nước. Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết quả cụ thể. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc...
Có thể khẳng định chính sách ưu đãi người có công với nước đã và đang được bổ sung, hoàn thiện và là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay.
Nguyễn Tú Anh