Đề xuất luật hóa “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
22/06/2021 - 20:54

Sáng 22/6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã cho ý kiến về việc thực hiện Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng và khen thưởng đối với thanh niên xung phong.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, ngày 25/10/2016, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam có Tờ trình số 319/TTr-HCTNXPVN trình Ban Bí thư Trung ương Đảng đề nghị Đảng, Nhà nước có hình thức khen thưởng huy chương tặng riêng thanh niên xung phong có thời gian phục vụ tại ngũ trong thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 7/2/2017, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản số 3257-CV/VPTW thông báo kết luận của Ban Bí thư: “Đồng ý chủ trương tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời “Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới, trong đó có nội dung khen thưởng huy chương cho thanh niên xung phong nói trên”.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong đó có nội dung về việc tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để xin ý kiến các cơ quan chức năng theo quy định.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2021, Chính phủ đã thống nhất bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để tặng thưởng Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) Phạm Huy Giang trình bày báo cáo

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia, khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng kinh tế sau 1975, thanh niên xung phong là lực lượng có tính chất đặc thù, được huy động làm nhiệm vụ ở những địa bàn trọng điểm, chiến sự diễn ra rất ác liệt, nơi gian khổ, khó khăn để bảo đảm mạch máu giao thông, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu và khắc phục hậu quả chiến tranh. Thời gian phục vụ tại ngũ của thanh niên xung phong từ 3 đến 5 năm, 7 năm, 10 năm nhưng đều vào các thời kỳ có chiến sự ác liệt.

Lực lượng thanh niên xung phong có 670 nghìn người, trong đó, 46 nghìn người bị thương (đã được xác nhận thương binh 33,7 nghìn người ), trên 10 nghìn người hy sinh (đã được xác nhận liệt sĩ 4.952 người), 13 nghìn người và 4,6 nghìn người con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học (đã được giải quyết chế độ 2.309 người và 1.636 cháu), sau kết thúc chiến tranh có 5,6 nghìn nữ thanh niên xung phong không xây dựng được gia đình, sống cô đơn.

Toàn cảnh cuộc họp

Đại diện Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam thống nhất đề xuất bổ sung quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tại điểm d, khoản 2 Điều 52 của Luật Thi đua, khen thưởng. Cùng với đó, đề nghị bổ sung: "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân là thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên”. Việc này nhằm khen thưởng đúng với thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở các chiến trường, các thời kỳ. Riêng tại chiến trường Lào, Campuchia có trên 5.100 thanh niên xung phong tham gia và một số đã được Nhà nước Lào, Campuchia tặng thưởng huân, huy chương.

Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, với những thành tích của thanh niên xung phong qua các thời kỳ cần có sự tôn vinh tương xứng. Do đó, việc bổ sung quy định về "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp và thể hiện rõ hơn nội dung về thi đua, khen thưởng đối với thanh niên xung phong trong dự án Luật.

Lực lượng Thanh niên xung phong đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng bức trướng “Thanh niên xung phong chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo lập công xuất sắc”; 43 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng (chủ yếu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Đối với cá nhân, có 82 nghìn thanh niên xung phong sau khi xuất ngũ được chuyển ngành, chuyển đi học được cộng dồn thời gian công tác sau đó để tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân