BTĐKT - 50 năm đã trôi qua, xã hội đã có nhiều đổi thay trên các mặt của đời sống xã hội. Song, thắng lợi vĩ đại mà nhân ta giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975 mãi còn lại với năm tháng thời gian, là mốc son chói lọi nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nơi hội tụ và tỏa sáng của ý chí, khát vọng thống nhất đất nước không gì lay chuyển được của cả dân tộc. Cho đến nay, ý chí, khát vọng đó vẫn là nguồn gốc, động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Khẳng định Việt Nam là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới là chủ nghĩa đế quốc, bộc lộ rõ tính hiếu chiến, cường quyền và phản động; để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, chủ nghĩa đế quốc tiến hành chiến tranh xâm lược ở nhiều khu vực, nhiều nước trong đó có Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Theo điều khoản trong Hiệp định, sau hai năm tức là vào năm 1956, hai miền sẽ tiến hành hiệp thương Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Lịch sử đã không diễn ra như vậy, đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách để phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính phủ tay sai bù nhìn để đàn áp những người cộng sản và phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động, chúng lê máy chém khắp miền Nam, ban hành Luật 10/59, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật… Trước tình hình như vậy, Đảng ta đã kịp thời chỉ đạo chiến lược cách mạng cho nhân dân miền Nam để bảo toàn củng cố lực lượng và cơ sở cách mạng. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1954) đã xác định: Đế quốc Mỹ là kẻ thủ chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương. Tiếp đó, tháng 9/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng. Nghị quyết đã chỉ ra những đặc điểm chủ yếu của tình hình trong lúc cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới là: Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; nước nhà tạm chia làm hai miền; từ nông thôn chuyển vào thành thị; từ phân tán chuyển đến tập trung. Đặc biệt, tháng 12/1957, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Ta đang đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội có tính chất quyết định cho toàn bộ thắng lợi cách mạng trong giai đoạn mới. Lực lượng cách mạng ở miền Nam được duy trì và phát triển là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng của miền Nam. Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh”.
Chính vì vậy, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam không chỉ đơn thuần là cuộc đấu tranh diễn ra trong nội bộ mà đó còn là cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng là thắng lợi chung của nhân dân tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới, có có ý nghĩa quan trọng trong việc cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc dũng cảm đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Là một dân tộc nhỏ, đất không rộng, người không đông nhưng phải đối đầu với một đế quốc có tiềm lực kinh tế, sức mạnh quân sự số một thế giới, được trang bị vũ khí tối tân hiện đại; song dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; nhân dân Việt Nam, thường xuyên, trực tiếp quân và dân miền Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Quân và dân ở hai miền Nam - Bắc đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đánh bại mọi chiến lược chiến tranh toàn cầu phản cách mạng và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vì thế, đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng sáng ngời của sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân; là ngọn cờ đầu, tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột, cường quyền để bảo vệ phẩm giá và lương tri con người. Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã đánh giá: “Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi chung của tất cả nhân dân cách mạng trên thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức”.
Phá vỡ phòng tuyến phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc
Đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam đã phá vỡ phòng tuyến phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, đem lại niềm tin và sự phấn khởi cho nhân dân thế giới đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản động của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của chủ nghĩa xã hội, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hoà bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Với âm mưu ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á, mà Việt Nam là tâm điểm của sự phát triển đó. Đế quốc Mỹ đã cho thi hành hàng loạt những chính sách phản động để ngăn chặn, tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, như dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành bắt bớ, giết hại những người yêu nước, đầu tư tiền, đô la để xây dựng chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam; dồn dân, lập ấp chiến lược, tiến hành chiến tranh tâm lý để ca ngợi lối sống Mỹ; mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc… Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động mọi phương tiện tối tân, hiện đại, chi phí cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ lên tới 676 tỷ USD; riêng năm 1968…. Riêng năm 1968, mỗi ngày Mỹ chi phí tới 100 triệu USD cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Con số này gấp 10 lần chi phí cho cuộc chiến chống nghèo đói ở Mỹ; gấp 4 lần chi phí cho chương trình nghiên cứu vũ trụ của Mỹ; bằng một nửa số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho nước ngoài trong 20 năm (1941-1960). Điều đó cho thấy, tính chất, mức độ và sự quyết tâm rất lớn của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nhằm tiêu diệt phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Đông Nam Á, dùng Việt Nam làm bàn đạp để ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển rộng khắp trên thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới về mọi mặt, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, đẩy chúng ngày càng bị sa lầy vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Một cuộc chiến tranh hao của, tốn người của đế quốc Mỹ đã bị nhân dân Mỹ, nhân dân tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, phản đối. Vì vậy, các chiến lược toàn cầu phản cách mạng và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã bị thật bại thảm hại, bị phá sản hoàn toàn trên mọi phương diện, không thể cứu vãn nổi; làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân thế giới nói chung và nhân dân Mỹ nói riêng đã dâng cao, phát triển mạnh mẽ, trở thành lực lượng đối trọng với đế quốc Mỹ, buộc chung phải có những điều chỉnh, tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán ở Paris bàn luận về vấn đề hoà bình ở Việt Nam. Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, thu non sông đất nước về một mối, thực hiện trọn vẹn lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào. Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành điểm tựa vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước đang là thuộc địa, phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc; hình ảnh một đất nước Việt Nam với con người nhỏ bé nhưng có sức mạnh vô địch, kiên cường, không sợ khó khăn, gian khổ hy sinh, dám đối đầu với một đế quốc có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới đã cỗ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc nhược tiểu, kém phát triển đứng lên đấu tranh đòi quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau, nêu cao thần đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, đã có nhiều quốc gia, dân tộc giành được độc lập, tự do, khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc mình. Đại thắng mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới, đột phá vào thành trì hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; mọi âm mưu, thủ đoạn ngăn chặn làn sóng cách mạng phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á của đế quốc Mỹ đã bị phá sản hoàn toàn. Đó là sự thất bại, tủi nhục của đế quốc Mỹ trên mọi phương diện. M.Namara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã khẳng định: Chiến tranh Việt Nam là một sai lầm, sai lầm khủng khiếp. D.Hanbơstam, phóng viên báo New York Time đã nhận xét: Chúng ta đã ở vào phía sai lầm của lịch sử. Trong bài “Việt Nam: Trang kế toán”, tướng lục quân Mỹ Haodơ viết: … hậu quả đau đớn nhất đối với Mỹ do cuộc chiến tranh Việt Nam để lại là xã hội Mỹ bị rạn nứt thành từng mảng.
Phát huy tinh thần của đại thắng mùa xuân năm 1975 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước sau gần 40 năm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành tựu đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa lịch sử, góp phần củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do. Hình ảnh một nước Việt Nam thân thiện, hiền hoà và mến khách đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, Việt Nam đón gần 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm 2023; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023. Tinh thần, hào khí của đại thắng mùa xuân năm 1975 đã, đang và sẽ chiếu sáng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, thổi bùng lên ngọn lửa của sự nhiệt huyết cách mạng, tiến công vào đói nghèo, lạc hậu, đẩy lùi khó khăn, nguy cơ, thách thức thực hiện thắng lợi những nội dung, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các Nghị quyết hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng đã xác định.
Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng phức tạp, khó lường: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp chủ quyền, biển đảo, biên giới quốc gia diễn ra căng thẳng, có mặt rất phức tạp; những thách thức an ninh phi truyền thống, như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm công nghệ cao… đặt ra cho các quốc gia, dân tộc cần nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, hợp tác lẫn nhau trên mọi phương diện để xử lý, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn nảy sinh trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ giá trị văn hoá, con người, truyền thống lịch sử hào hùng, đặc biệt là tinh thần của đại thắng mùa xuân năm 1975 để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tăng tốc, bứt phá tạo ra thế và lực mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại trong giai đoạn hiện nay. Đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam mãi là biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là niềm tự hào của đất nước, mãi trường tồn cùng với năm tháng thời gian; đó sẽ là động lực tinh thần to lớn, là bệ đỡ tư tưởng quan trọng, là sức sống vô biên để cỗ vũ, khích lệ và đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, vững tin, hướng về phía trước thực hiện thắng lợi những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra hiện nay. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã nâng cao vị thế và uy tín của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam… lên ngang tầm các nước, các dân tộc trên thế giới.
Đại tá, TS Trịnh Anh Tuấn