Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Đẩy mạnh thi đua nhằm đúng hướng chính
22/08/2018 - 14:56

TĐKT - Trong cuộc đời mình, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn là một tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Không chỉ là người tiên phong, lãnh đạo phong trào yêu nước của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng chí còn là người có nhiều đóng góp làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về thi đua yêu nước trở thành động lực của cuộc kháng chiến, kiến quốc. Những tư tưởng, quan điểm của đồng chí về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày hôm nay.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc (ảnh tư liệu)

Người khởi xướng phong trào công nhân Việt Nam

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, và đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ tiên phong. Đồng chí là một trong những người công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp.

Ngay khi còn là học sinh của Trường Bách nghệ Sài Gòn, cùng với việc học giỏi nhất trường, Tôn Đức Thắng còn là "người chỉ huy" nhiều cuộc bãi khóa để phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào nông dân ở nhiều nơi.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm France. Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen vào ngày 20/4/1919 và sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp.

Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn - hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ khi thành lập, Công hội đã liên tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, mà điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8/1925).

Trong những năm 1926 - 1927, Công hội Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam kỳ. Khi Kỳ bộ Nam kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân.

Với chức trách được giao, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta. Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân, tạo thuận lợi cho việc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.

Những đóng góp to lớn đối với công tác thi đua, khen thưởng

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, với uy tín lớn lao trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, đồng chí Tôn Đức Thắng đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng.

Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương bao gồm các thành viên là các đại biểu Chính phủ, quốc hội và các đoàn thể nhân dân, đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Trên cương vị công tác của mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về thi đua yêu nước trở thành động lực của cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Ngay từ khi mới đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Vận động Thi đua ái quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã quan tâm đến việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Để đảm bảo tốt việc thi đua, ngày 19/11/1948, Ban Vận động Thi đua ái quốc đã có công văn đệ trình lên Chính phủ đề nghị sửa đổi tổ chức thi đua ái quốc, kèm theo công văn là tài liệu về cải tiến tổ chức thi đua ái quốc, quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ, quyền hạn, cách làm việc của Ban.

Ban đã đặt ra các Tiểu ban: Thi đua, Kiểm tra, Chấm thi giúp cho Ban điều hành, định thể lệ thưởng, phạt công minh. Ngoài những hoạt động trên, Ban còn thành lập Tiểu ban tuyên truyền để cổ động thi đua, chú trọng việc ra báo tường, đặc san, sáng kiến trên mọi mặt công tác.

Đối với việc khen thưởng, đồng chí Tôn Đức Thắng cho rằng: "Nên dè dặt hết sức trong sự phạt, thưởng, kỳ nào cũng thế. Nếu phần thưởng đến những nhóm hay người không thật đặc biệt xứng đáng thì làm cho nhân dân hiểu lầm là: “Thì gọi là cũng được rồi.” Làng và tỉnh tìm những phần thưởng trong khu vực mình. Các phần thưởng nên chỉ có tính cách tượng trưng mà tốn kém ít. Nên dùng những phần thưởng luân chuyển (ví dụ cờ hay biển), sau mỗi kỳ, người hay nhóm tích cực nhất trong mỗi ngành hay mỗi xã, mỗi tỉnh được giữ.” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, “Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu”, NXB Văn học, 2013, tr425,426).

Để đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng, họp từ 21/1 đến 3/2/1950, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo, Trưởng Ban thi đua ái quốc Trung ương Tôn Đức Thắng đã đọc báo cáo:“Đẩy mạnh thi đua nhằm đúng hướng chính”.

Với phương pháp tư duy nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, đồng chí đã phê phán nghiêm khắc những khuyết điểm về lãnh đạo và tổ chức đã làm cho phong trào thi đua ít hiệu quả. “Vì thi đua nhiều mà không nhằm hướng chính nên phong trào thi đua thành loãng và dần dần trở nên bình thường” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2001,t27).

Đồng thời, đồng chí vạch rõ : “Hướng chính của thi đua ái quốc lúc này là động viên nhân lực, vật lực, tài lực để phục vụ tiền tuyến”. Những uốn nắn đó đã góp phần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tiến lên một bước mới; góp phần vào sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn mới.

Tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952, với tư cách đại diện Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban Liên Việt toàn quốc, đồng chí đã căn dặn các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu: “Có được danh dự lớn lao này, các đồng chí tuyệt đối không được tự kiêu, tự mãn, có được vinh dự lớn lao này, các đồng chí lại càng phải ra sức thi đua ái quốc, ra sức học tập đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và gương thi đua của Hồ Chủ tịch, ra sức học tập huấn thị của Hồ Chủ tịch trong đại hội này. Các đồng chí càng phải ra sức học tập các bạn bè chung quanh, học tập nhân dân. Ở đây ra về, các đồng chí cần phải ra sức phổ biến những kinh nghiệm thi đua tổng kết được ở các hội nghị và ở đại hội này, để dìu dắt mọi người cùng thi đua, trở thành chiến sĩ thi đua như mình và hơn mình. Ra sức học tập, ra sức sản xuất và chiến đấu để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ hòa bình thế giới, đó là nhiệm vụ của các đồng chí”. (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, “Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu”, NXB Văn học, 2013, tr63,64).

Dù ở trên cương vị công tác nào, đồng chí cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới các phong trào thi đua của các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (9/1969), đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa II, họp ở Hà Nội ngày 23/9/1969. Trên cương vị mới, đồng chí luôn luôn căn dặn, nhắc nhở, giáo dục cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải hết lòng vì dân, vì nước và luôn luôn phải coi dân là gốc vì sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Tiếp nối những tư tưởng, tâm huyết của đồng chí Tôn Đức Thắng, những năm qua cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực, xây dựng ngành thi đua, khen thưởng ngày càng trưởng thành và phát triển. Ngành đã đóng góp tích cực vào sự đổi mới của đất nước, ngày càng khẳng định vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong việc ban hành những chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để thi đua, khen thưởng ngày càng thiết thực.

Nhờ đó, phong trào thi đua yêu nước đã được đổi mới nội dung, hình thức thi đua phong phú và thiết thực hơn, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết các vấn đề về xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Công tác khen thưởng đảm bảo khen đúng, khen trúng, khen kịp thời; đã chú trọng việc phát hiện tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp có thành tích xuất sắc để khen thưởng.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng của đồng chí Tôn Đức Thắng về thi đua yêu nước - thi đua phải nhằm đúng hướng chính, luôn luôn quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng - vẫn còn nguyên giá trị, là bài học kinh nghiệm quý báu đối với các thế hệ những người làm công tác thi đua, khen thưởng hôm nay và mai sau.

Nguyệt Hà