Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với các Ủy ban của Quốc hội về tiến độ các dự án luật: Thay đổi tư duy, chuẩn bị từ sớm
13/08/2021 - 16:04

Ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Thường trực Ủy ban Tư pháp về tiến độ, chất lượng các dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội 

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội Khóa XV nhằm xem xét cụ thể các vấn đề liên quan đến từng dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới. Cụ thể, tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 7 dự án Luật gồm: dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là những dự án luật đầu tiên trong chương trình lập pháp của Quốc hội Khóa XV, do đó, việc rà soát, bảo đảm chất lượng chuẩn bị các dự luật này chính là thực hiện lời hứa của Quốc hội về siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Với 6/7 dự án Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa đổi toàn diện, chỉ có 1 dự án Luật được xây dựng mới hoàn toàn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mỗi lần sửa đổi, bổ sung luật là cơ hội để khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế như tình trạng "luật vừa sửa xong đã không đáp ứng được yêu cầu, luật chồng chéo, thiếu khả thi, đời sống pháp luật thì ngắn". Vì vậy, cần phải tập trung đánh giá, sửa đổi thật căn cơ, bảo đảm cao nhất chất lượng dự án luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kinh nghiệm các kỳ họp vừa qua cho thấy: muốn rút ngắn thời gian nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội thì không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng các nội dung trình. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải có cách làm khác đi, phù hợp hơn nữa với thực tiễn thì mới đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Do đó, lãnh đạo Quốc hội chủ trương làm việc với các Ủy ban của Quốc hội để rà soát quá trình chuẩn bị, kiểm tra tiến độ, chất lượng các dự án Luật, lưu ý một số vấn đề và định hướng các nội dung để bảo đảm dự án luật trình ra Quốc hội là Dự thảo tốt nhất.

Trên cơ sở chuẩn bị của các cơ quan trình và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc có triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án luật này hay không, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tổng Thư ký Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phải xác định rõ các nội dung báo cáo Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ, phiên họp toàn thể để tập trung vào các vấn đề lớn, căn cơ về chính sách, về tính công khai, minh bạch, tính khả thi, thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật, còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp có thể xử lý bằng việc đóng góp ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện. Với cách làm như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sẽ đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật vừa rút ngắn được thời gian làm việc của Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Trong phiên họp buổi sáng Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án Luật Cảnh sát cơ động; Thường trực Ủy ban Tư pháp báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Qua nghe báo cáo tiến độ, một số vấn đề lớn của các dự án luật và thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của các Ủy ban trong việc chủ động theo dõi nắm tình hình soạn thảo và cho ý kiến về các nội dung của dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan để rà soát, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động …trên cơ sở đó hoàn thiện các báo cáo thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhân cơ hội sửa luật thì phải đặt ra vấn đề hết sức thấu đáo nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh, tạo sự chuyển biến tích cực trên thực tế, đáp ứng mục tiêu yêu cầu của phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiến độ chuẩn bị và một số vấn đề lớn của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị bên cạnh các nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Xã hội cần rà soát, đánh giá thực tiễn triển khai thi hành Luật hiện hành, đối chiếu với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ trương của Đảng về công tác thi đua khen thưởng…thấy được những gì chưa làm được, những gì còn bất cập, hạn chế để xác định phạm vi điều chỉnh và nội dung sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình sửa đổi luật này cần làm rõ mục tiêu của thi đua, khen thưởng, mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, nguyên tắc, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; rà soát các quy định về thẩm quyền trao thưởng, phát động thi đua, hồ sơ, trình tự…để sửa đổi theo hướng khắc phục bệnh thành tích, nặng về tính tích lũy gối đầu, chưa quan tâm kịp thời đến khen thưởng đúng người đúng thời điểm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; đồng thời quan tâm đến các giải thưởng trong khu vực tư.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, thông qua lần sửa đổi luật lần này các vấn đề được xem xét thấu đáo, thi đua khen thưởng được thực hiện thực chất, đúng, trúng sẽ tạo động lực, chuyển biến lớn trong toàn xã hội, nếu làm không đến nơi thì luật sẽ không đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo về một số vấn đề của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mặc dù chưa có hồ sơ chính thức từ Chính phủ nhưng Ủy ban đã chủ động, sớm có ý kiến nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra một cách chi tiết, kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với cách làm như hiện nay sẽ bảo đảm được chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Ghi nhận dự thảo luật lần này có nhiều nội dung tiến bộ phù hợp với tình hình mới khi công nghệ phát triển và hội nhập quốc tế, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội hàm các chính sách. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, điện ảnh trước hết là một loại hình văn hóa nghệ thuật, do đó, điện ảnh muốn phát triển theo hướng nào thì đều phải bảo đảm  xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Mặt khác, điện ảnh còn là một loại hình công nghiệp văn hóa, khi đó phải ứng xử, thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải bám sát, cụ thể hóa các yêu cầu này. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu về thúc đẩy nền điện ảnh hội nhập quốc tế và phát triển thị trường điện ảnh trong nước; đồng thời rà soát các quy định dễ gây xung đột giữa quản lý nhà nước với hoạt động doanh nghiệp như cấp phép, kiểm định, tiền kiểm, hậu kiểm, cho xuất khẩu/nhập khẩu, phát hành phim… Cần hết sức nghiên cứu ý kiến đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tham vấn ý kiến của Hiệp hội có liên quan về dự án Luật. Kiến nghị nào hợp lý, thỏa đáng thì cần yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu tối đa, không để vấn đề lợi ích chi phối. 

Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bổ sung đầy đủ các văn bản còn thiếu như dự thảo quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, báo cáo đánh giá kinh nghiệm quốc tế, báo cáo đánh giá tác động... để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2021. 

Trong quá trình thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tập trung làm rõ sự cần thiết nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát cơ động; làm rõ cơ sở pháp lý, chính trị, thực tiễn, sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ của dự luật trong hệ thống pháp luật; chỉ rõ những vấn đề đặc thù cần quy định ngay trong luật này và những vấn đề chung về lực lượng cảnh sát, công an được quy định trong Luật Công an nhân dân, mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát cơ động với các lực lượng khác của công an nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với quan điểm của Thường trực Ủy ban Tư pháp về phạm vi sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không nên mở rộng sửa đổi các nội dung ngoài cam kết khi chưa đánh giá được tác động. Ngoài ra, để thực hiện cam kết với CPTPP thì cùng với sửa đổi Luật, còn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ điều tra, kiểm sát, tòa án… chuyên sâu về lĩnh vực này. 

Theo chương trình làm việc, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội sẽ nghe Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.

Theo quochoi.vn