Cách mạng tháng Mười Nga và bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giành và giữ chính quyền
03/11/2017 - 15:13

TĐKT - Thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, tác động sâu sắc tới đời sống chính trị - xã hội của con người. Cách mạng tháng Mười Nga là một sự kiện lịch sử như thế. Cuộc cách mạng thắng lợi đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người từ trước tới nay chưa có một cuộc cách mạng có ý nghĩa sâu xa như vậy”. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, một trong những bài học đó là phát huy sức mạnh của quần chúng trong giành và giữ chính quyền.

Theo V.I.Lênin, nước Nga là nơi tập trung mâu thuẫn cơ bản của thế giới, chế độ Nga Hoàng là chủ nghĩa tư bản quân phiệt - phong kiến, nước Nga không tránh khỏi một cuộc cách mạng sẽ nổ ra do giai cấp vô sản thực hiện. Lúc này, giai cấp tư sản thế giới nhận thức rõ sức mạnh của các Đảng cộng sản, khả năng thành công, lan rộng của chủ nghĩa xã hội và chúng đã tìm mọi cách để phá hoại. Đối với nước Nga, chúng “dùng cả một hệ thống những lời dối trá, vu khống và lừa bịp để chống lại chủ nghĩa Bôn-sê-vích, “ru ngủ quần chúng bằng những hứa hẹn, giai thoại”.

Trong tình hình ấy, “vấn đề thái độ của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của giai cấp vô sản đối với nhà nước không những có ý nghĩa chính trị - thực tiễn mà còn vì đây là vấn đề làm cho quần chúng thấy rõ những việc họ sẽ phải làm trong một tương lai gần đây để tự giải phóng khỏi ách tư bản” (V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Mátxơcơva, 1976, tr.5).

Để giải thoát cho quần chúng khỏi tình trạng mê muội và bị lừa dối, V.I.Lênin đã viết một loạt các tác phẩm bàn về nhà nước, bảo vệ những quan điểm, tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen về nhà nước, phê phán những quan điểm phản động trong quốc tế II và ở nước Nga lúc bấy giờ, chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng Bôn-sê-vích trong vận động quần chúng để giành, giữ chính quyền. Nhờ đó đã đấu tranh làm thất bại những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chỉ rõ tính chất phản khoa học, phản động, cơ hội chủ nghĩa trong quốc tế II, nhất là quan điểm của E.Becstanh, C.Cauxky.

Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Nga đã thực hiện chính sách “cộng sản thời chiến” nhằm động viên nền kinh tế quốc dân và mọi lực lượng trong nước, đảm bảo cho thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc, chống bọn đế quốc can thiệp, bọn bạch vệ. Nhà nước chuyên chính vô sản phải dựa vào sự ủng hộ của toàn thể nhân dân lao động, vào tính tự giác của họ, chỉ có như vậy, nhà nước chuyên chính vô sản mới trở thành tổ chức chính trị của toàn thể nhân dân, mới có cơ sở thực hiện chức năng tổ chức trong quá trình giải quyết những nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể khẳng định bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng để giành, giữ chính quyền Xô Viết vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước, trong đó cách mạng Việt Nam. Bài học đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ bài học trên, chúng ta cần giải quyết tốt những vấn đề cơ bản sau:

Một là, cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng và cũng là nguồn gốc sức mạnh của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi hoạt động của cán bộ, chịu sự giám sát của nhân dân.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, lành mạnh, thực sự tâm huyết với công việc, là công bộc của nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Năm là, không ngừng mở rộng, quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế với các nhà nước, tổ chức tiến bộ trên thế giới.

Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, nền kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược tạo ra thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế. Có được những thành tựu đó, là do Đảng ta biết phát huy, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh vốn có trong lòng dân tộc, đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, một trong những bài học chúng ta cần phải quán triệt và thấu suốt trong mọi hoàn cảnh, tình huống đó là phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đây chính là thành trì kiên cố nhất, vững chắc nhất, là nguồn gốc, động lực của công cuộc đổi mới đất nước. Đây là một trong những bài học sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, được Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Cách mạng tháng Mười Nga và bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giành và giữ chính quyền vẫn luôn hiện hữu và là kim chỉ nam cho những hành động của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, tinh thần đó, khí thế đó vẫn được soi chiếu vào mọi quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta như sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn để chúng ta đạp qua sóng to, gió cả thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Nguyễn Tú Anh