Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội sẽ có nhiều giải pháp mạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động
18/07/2018 - 15:39

TĐKT - Mới đây, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã có văn số 635/BHXH-KTTN gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và đề nghị không tổ chức bất kỳ hình thức tôn vinh, khen thưởng nào đối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

Phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng có bài phỏng vấn ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ BHXH TP Hà Nội.

Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ BHXH TP Hà Nội Nguyễn Dương

Phóng viên: Thưa ông, các doanh nghiệp nợ BHXH từ 2 tháng trở lên đã ảnh hưởng và tác động như thế nào đến vấn đề thu – chi của BHXH TP Hà Nội?

Ông Nguyễn Dương: Tính đến hết tháng 6/2018, Hà Nội có 16.985 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền nợ phải tính lãi là 1.408,1 tỷ đồng, đã giảm 388,1 tỷ, tương đương 21,6 % so với cùng kỳ năm 2017 (Năm 2017 số tiền nợ phải tính lãi là 1796,2 tỷ đồng). Mặc dù số tiền nợ BHXH, BHYT đã giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước.

Các doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT đã vi phạm quy định tại Điều 86, Luật BHXH năm 2014, Khoản 1 Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014. Việc nợ BHXH của doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi phát sinh ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Bên cạnh đó, DN nợ BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu – chi BHXH, ảnh hưởng đến việc hình thành và cân đối quỹ BHXH.

Phóng Viên: Việc ban hành văn bản đã có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp nợ BHXH và đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp đã nộp BHXH?

Ông Nguyễn Dương: Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, hàng tháng BHXH TP Hà Nội đã tiến hành phân tích, phân loại DN nợ, trên cơ sở đó phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố để thu hồi tiền nợ, đồng thời đã kiến nghị các sở, ban, ngành không đề xuất tôn vinh, khen thưởng đối với những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT. Trong đó có Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Tháng 5/2018 vừa qua, BHXH thành phố đã gửi công văn số 635/BHXH-KTTN gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề nghị phối hợp đôn đốc thu hồi nợ tại 99 doanh nghiệp thuộc Ban quản lý. Tính đến nay các doanh nghiệp đã nộp được trên 20 tỷ đồng tiền nợ. Như vậy, có thể nói rằng, sự phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất đã mang lại hiệu quả.

Phóng viên: Ngoài việc ban hành văn bản này, BHXH thành phố còn giải pháp nào để khắc phục tình trạng nợ BHXH, BHYT của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố?

Ông Nguyễn Dương: Để khắc phục tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHXH thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Hàng tháng thực hiện phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, thời gian nợ, xác định nguyên nhân nợ. Trên cơ sở đó. đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, trong đó, tập trung các đơn vị nợ phát sinh, nợ dưới 12 tháng.

Yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ dưới 12 tháng; tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT để khắc phục nợ trước khi ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra.

Tổ chức đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động, người lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất, đơn vị sử dụng lao động, tuyên truyền quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT, tháo gỡ các vướng mắc.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị mời các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT; doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động trên địa bàn đến làm việc yêu cầu doanh nghiệp nộp số tiền nợ BHXH, BHYT và đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã ban hành Quyết định thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ BHXH và các văn bản đôn đốc nợ BHXH trên địa bàn.

Hướng dẫn các doanh nghiệp khó khăn về vốn có thể vay tiền Ngân hàng Vietcombank để đóng BHXH cho người lao động theo Hợp đồng (số 01082016 giữa BHXH Thành phố với Ngân hàng Vietcombank), hợp tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Hướng dẫn đơn vị nợ BHXH, BHYT thực hiện Điểm 2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc người lao động tại các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN có đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, Hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT truyền tải thông tin tới người sử dụng lao động và người lao động về những hệ quả tiêu cực từ việc trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Công khai danh sách các doanh nghiệp nợ trên các phương tiện truyền thông, báo chí như: Báo, Tạp chí Bảo hiểm xã hội, Báo Kinh tế đô thị, Báo Hà Nội mới, Cổng thông tin điện tử BHXH thành phố.

Phối hợp với các sở, ngành tiếp tục thực hiện Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 05/01/2011 của UBND thành phố về thu nợ tiền BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp với Công an thành phố tập hợp hồ sơ, tài liệu đối với những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thiết (thực hiện)