Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận: Chủ thể của trường là ai?
08/01/2020 - 10:00

TĐKT - Ngay từ ngày đầu thành lập, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được xây dựng theo mô hình tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động của Trường đều được hình thành từ vốn góp của các thành phần sáng lập, của cá nhân cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của trường - các cổ đông. Khái niệm “tư thục” chỉ mới đề cập đến nguồn vốn hoạt động của Trường do tư nhân góp lại mà thành. Tuy nhiên còn những lựa chọn khác không kém phần quan trọng góp phần gắn liền với mô hình này. Những lựa chọn quan trọng đó được thể hiện như sau:

Cơ sở 2 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh)

1. Trường có chủ hay vô chủ?

Từ bài học kinh nghiệm quản lý kinh tế quốc doanh - Các doanh nghiệp này về danh nghĩa là có chủ mà trên thực tế thì chỉ là hình thức, còn thực tế thì chưa thể hiện rõ ràng mạch lạc làm chủ tập thể không phát huy được đầy đủ nội dung của nó. Do đó những người sáng lập của Trường đã khẳng định nguyên tắc: Trường phải có chủ. Nó được thể hiện như thế nào? Trước hết cần xác lập được chính xác tiêu chí người làm chủ (chủ thể) của Trường. Có 2 tiêu chí chủ yếu đó là:

Vốn góp và lao động

Trước hết phải khẳng định tiêu chí về lao động rất khó xác định mức đóng góp lao động, không thể đo lường và thể hiện đầy đủ chính xác giá trị vật chất của giá cả sức lao động. Ví dụ: Một Giáo sư lao động không thể giống như một nhân viên làm tạp vụ, một nhân viên làm kế toán, văn phòng hay một giảng viên bình thường khác được. Do đó, tiêu chí “lao động” sẽ được “gác” lại.

Còn tiêu chí góp vốn bằng tiền? Theo quy chế của Trường, mức góp vốn tối thiểu để trở thành cổ đông được ấn định là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn), không khống chế mức góp vốn tối đa. Và chỉ sau 5 năm đầu hoạt động, Trường đã huy động đủ nguồn vốn cần thiết để tạo lập cho hoạt động của Trường; đồng thời cùng với số học phí của người học đóng góp Trường có đủ nguồn vốn chi phí cho sự phát triển của Trường.

Đến giai đoạn này, phát sinh một số người cho rằng nên cho cổ đông rút hết vốn vì thực tế số vốn đó cũng không chiếm tỷ trọng đáng kể cho hoạt động của trường. Ý kiến này đều bị bác bỏ bởi lẽ nếu cổ đông rút hết vốn thì ai sẽ là chủ của Trường? Và một Trường mà vô chủ thì sẽ xảy ra những tiêu cực vô cùng lớn gây rối loạn trong điều hành, nguy cơ mất ổn định của Trường. Tuy số vốn góp của các cổ đông không lớn nhưng cũng đã góp phần làm cho nguồn vốn hoạt động của Trường phát triển và ổn định. Đến khi số cổ đông đã tăng nhiều lên đến hàng trăm người thì lại nảy sinh ý kiến nên hạn chế bớt số lượng cổ đông để việc điều hành gọn nhẹ hơn. Không những giảm bớt số cổ đông mà Trường cần ổn định để tồn tại thì lại cần có nhiều thế hệ cổ đông để tiếp nối sự hoạt động của Trường được duy trì và phát triển.

2. Hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận?

Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sau một năm hoạt động các khoản thu trừ đi các khoản chi, chênh lệch đó là khoản lãi sau khi làm nghĩa vụ với Nhà nước theo luật pháp; Hội đồng quản trị sẽ quyết định sử dụng số tiền lãi vào các khoản chi phù hợp, trong đó có khoản chi gọi là “cổ tức” chi cho các cổ đông. Đó là lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sau một quá trình hoạt động. Còn đối với hoạt động cho sự nghiệp giáo dục thì các khoản thu trừ đi chi còn lại là chênh lệch thu chi (khái niệm lợi nhuận không được xác định) vì ngành giáo dục chưa có quy định cho trường được mang danh “doanh nghiệp”. Tuy nhiên ta có thể thống nhất hiểu tổng quát là các khoản chênh lệch thu lớn hơn chi gọi là “lãi”; ngược lại chi lớn hơn thu gọi là “lỗ”.

Nếu cổ đông của Trường góp vốn mà được chia lãi cuối năm thì làm gì có nguồn tài chính để đáp ứng cho yêu cầu phát triển Trường và nâng cao chất lượng đào tạo, đe dọa trực tiếp cho sự tồn tại của Trường.

Trường đã có quy chế hoạt động không vì lợi nhuận, do đó cổ đông góp vốn thì sẽ nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiết kiệm tại thời điểm cổ đông được hưởng. Trường đã căn cứ vào lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại để vận dụng “áp” vào lãi trả cho các cổ đông theo mức vốn đóng góp; Căn cứ để vận dụng được tham khảo lãi suất trả cho cổ đông góp vốn không phải là khoản chi phân phối lợi nhuận sau một năm hoạt động và do đó không phải là phân chia “cổ tức”.

Từ đây cần khẳng định đối với Trường hoạt động không vì lợi nhuận không có khái niệm lợi nhuận, chỉ có khái niệm chênh lệch thu chi, chênh lệch thu lớn hơn chi thì được sử dụng như sau:

- Nâng cao chất lượng đào tạo

- Cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên

- Cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho cán bộ, nhân viên và giáo viên của Trường

- Dành một phần vào quỹ tích lũy dự phòng, quỹ phát triển để xây dựng trường sở.

Như vậy, áp dụng cơ chế không vì lợi nhuận đảm bảo được sự hài hòa lợi ích sau đây:

- Lợi ích của người góp vốn

- Lợi ích của sinh viên

- Lợi ích của cán bộ, nhân viên và giáo viên

- Lợi ích lâu dài của Trường

Vì vậy không thể chỉ thỏa mãn cho một lợi ích duy nhất nêu trên dẫn đến suy yếu hoạt động của Trường thì lợi ích duy nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và không thể đáp ứng được.

Qua thực tế hoạt động của Trường trong hơn 20 năm hoạt động và phát triển đã xuất hiện một khái niệm quản lý của một trường hoạt động không vì lợi nhuận, đó là chủ thể của Trường là tất cả cán bộ, nhân viên, giáo viên, sinh viên, học viên của Trường, nó sẽ trường tồn với điều kiện duy nhất: Dân chủ - Đoàn kết - Thống nhất bền vững.

 Những yếu tố xác định chủ thể của Trường được thực tế chứng minh như sau: Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng của Trường là Giáo sư Trần Phương, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Trong Ban Giám hiệu, Hội đồng Quản trị của Trường và Thủ trưởng các đơn vị trong trường (phòng, Viện, Khoa…) có nhiều người nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó, Giám đốc Học viện… Như vậy, bộ máy lãnh đạo, quản lý điều hành của Trường tổ chức nền nếp, thống nhất, quy mô như một trường công lập ở tốp đầu. Nhờ đó, việc đào tạo sinh viên có chất lượng, ra trường đều có việc làm với vị trí phát huy được năng lực và thu nhập cao, phát triển tài năng của sinh viên trưởng thành. Đồng thời, nhờ có uy tín của Trường được xã hội xác nhận nên hàng năm Trường tuyển sinh được hàng ngàn sinh viên và vượt yêu cầu mong muốn của Trường. Giá trị cốt lõi của Trường thể hiện Trường luôn có chủ xứng tầm với vị trí và sứ mệnh đã được xác định trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

PGS. TS. Hà Đức Trụ

Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKD&CNHN