Trường Tiểu học A Kiến Thành (huyện Chợ Mới - tỉnh An Giang): Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực với phương châm “Tất cả vì học sinh”
20/05/2020 - 09:21

Khu hiệu bộ Trường Tiểu học A Kiến Thành

Kiến Thành là một xã vùng nông thôn của huyện Chợ Mới, đa số người dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân địa phương luôn quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để bồi dưỡng nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp và của ngành giáo dục, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nên phong trào giáo dục của nhà trường luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Trường hiện có 25 lớp với 621 học sinh; tổng số cán bộ, viên chức là 43 người, trình độ tay nghề của giáo viên khá đồng đều, số lượng trên chuẩn chiếm 100%. Đội ngũ giáo viên rất nhiệt tình, có lòng yêu nghề mến trẻ, tận tụy với công việc, xây dựng tập thể đoàn kết, đã đưa nhà trường ngày càng phát triển.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của trường được đầu tư xây dựng, sửa chữa và trang bị tương đối đầy đủ, đảm bảo tốt cho hoạt động dạy và học. Nhà trường đã thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục và được Đoàn đánh giá ngoài công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 năm 2017. Năm 2019, trường thực hiện lại công tác kiểm định theo Thông tư 17/2018/BGD và được Đoàn đánh giá ngoài của Sở GD&ĐT An Giang công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.

Quang cảnh nhà trường

Thầy Dương Phước Long - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục tích cực, hiệu quả, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, từng bước tự chủ trong việc thực hiện chương trình theo gợi ý của ngành, thực hiện dạy phân hóa đối tượng học sinh, lấy học sinh chưa hoàn thành làm đối tượng chính, không để học sinh đứng bên lề lớp học, dành nhiều thời gian cho thực hành, giảm việc giáo viên nói thay, làm thay cho học sinh; trong giảng dạy tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học.

Ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra dự giờ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tham gia đầy đủ các chuyên đề do ngành tổ chức. Giáo viên thường xuyên quan tâm đến học sinh chưa hoàn thành thông qua việc giảng dạy hàng ngày, phụ đạo học sinh trước giờ dạy 15 phút và phân công học sinh hoàn thành kèm cặp những bạn chưa hoàn thành.

Ngoài ra, nhà trường và giáo viên luôn quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học, giúp các em có đủ điều kiện đến lớp. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện theo Thông tư 22; tổ chức kiểm tra nghiêm túc, công bằng, trung thực, chính xác nhưng đảm bảo tính nhẹ nhàng… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt chương trình giáo dục hàng năm luôn vượt chỉ tiêu đề ra.

Giáo viên dạy thao giảng (áp dụng Vườn hoa học tốt)

Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, trường đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành phát động. Có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Cán bộ, giáo viên, học sinh đều chấp hành tốt các cuộc vận động và thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua trong nhà trường.

Thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện  - Học sinh tích cực”, ngay từ đầu năm học Ban Giám hiệu kết hợp với công đoàn cơ sở phát động thi đua trong toàn trường. Giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh trang trí, chỉnh trang lớp học, vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ đánh bóng bàn ghế tạo vẽ mỹ quan, nhà trường tổ chức kiểm tra chuyên đề về nền nếp, vệ sinh, trang trí lớp, chữ viết, đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư 22/ BGD, vườn hoa học tốt...

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức cho học sinh các hoạt động vui chơi, tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao ý thức giữ gìn trường lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn, trong giao tiếp ứng xử phải hòa nhã, cởi mở, thân thiện, lịch sự; sinh hoạt về cách ứng xử văn hóa trong học đường…

Đến thời điểm này, cũng như nhiều năm qua, trường không có hiện tượng kỳ thị, bạo lực học đường. Giáo viên thực hiện khá tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy, quan tâm xây dựng nề nếp học tập, bồi dưỡng học sinh năng khiếu và phụ đạo học sinh chưa hoàn thành. Học sinh tích cực tham gia các hoạt động trò chơi dân gian.  Kết quả, trường được công nhận danh hiệu cơ quan văn hóa. Trường giữ vững danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến nhiều năm liền.

Học sinh thi đua hoạt động nhóm

Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị gắn với khẩu hiệu hành động của Huyện ủy “3 không, 3 cần, 3 quyết tâm”, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên dạy lồng ghép vào các môn học thích hợp, nhất là việc thực hiện tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống dành cho học sinh tiểu học”. Kết quả, cán bộ, giáo viên thực hiện bảng cam kết và tham gia học tập tốt thể hiện rõ nét qua chuyển biến đáng kể về chuyên môn; phong cách làm việc; phẩm chất đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, quan tâm nhiều đến học sinh.

Đối với học sinh, hàng tuần nhà trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ, thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện tốt nội dung 5 điều Bác Hồ dạy, giáo dục các em “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể như: Tiết kiệm giấy bút, giữ gìn tài sản chung, quan tâm giúp đỡ bạn bè và những người xung quanh.

Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, lối sống, lương tâm nghề nghiệp; tạo cơ hội, động viên, khuyến khích giáo viên học tập và sáng tạo; ngăn ngừa và đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm pháp luật và đạo đức nhà giáo. Cuộc vận động “Hai không” đi vào chiều sâu, giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh tự lĩnh hội kiến thức mới. Kiểm tra đánh giá xếp loại học sinh đúng thực chất, trung thực khách quan, không để học sinh ngồi nhầm lớp, từng bước tạo được niềm tin về chất lượng giảng dạy trong cha mẹ học sinh. Trong năm học này trường tiếp tục thực hiện mô hình “Lớp học 3 không” nhằm nâng cao ý thức học tập và rèn luyện của học sinh./.