Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng – Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ: Góp phần vào sự vững mạnh của ngành chăn nuôi nước nhà
04/03/2019 - 14:18

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng trực thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, có nhiệm vụ nuôi giữ đàn giống gốc (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain được nhập từ Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Canada, Bỉ); chọn lọc nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo giống gốc, sản xuất heo cái hậu bị và heo đực giống đã qua kiểm tra năng suất cá thể cho các cơ sở giống; nghiên cứu, huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo.

Trung tâm luôn tự hào bởi các giống heo có năng suất sinh sản, sinh trưởng có thể sáng ngang các giống heo hàng đầu trong châu lục cũng như các giống heo nuôi tại các nước có nền chăn nuôi phát triển trên thế giới.

Trụ sở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng

 

Văn phòng làm việc Trại heo giống gốc Quốc gia Bình Minh -  Trung tâm Bình Thắng

Qua nhiều năm nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo, Trung tâm đã cho ra đời nhiều giống heo thích nghi tốt với thời tiết, khí hậu, điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam; có ý nghĩa thiết thực đối với ngành chăn nuôi nước nhà.

Tiêu biểu phải kể đến giống heo Landrace - BT88S và Yorkshire - BT66S ổn định về khả năng sản xuất qua các chỉ tiêu về khả năng sinh sản, sinh trưởng. Cụ thể: Số con sống bình quân ≥ 15 con/lứa; số lượng sơ sinh sống đạt trên 20 kg/ổ, chỉ số lứa đẻ ≥ 2,3 lứa/nái/năm; khả năng tăng trọng đạt từ 892 - 976 gam/con/ngày, cao hơn một số dòng heo từ 15% - 20%.

Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc tới giống Duroc - BT55, là giống heo chuyên về sinh trưởng, sử dụng làm dòng đực cuối để sản xuất lợn thương phẩm, có ngoại hình đẹp và phù hợp với thị hiếu người chăn nuôi Việt Nam. Đặc điểm của dòng heo này là da mỏng, lông thưa, khả năng tăng khối lượng cao, mỡ lưng thấp, thân thịt đẹp, thơm ngon; số con sơ sinh sống đạt từ 10 - 12 con/ổ và số con cai sữa đạt từ 02 - 24 con nái/năm.

Dòng Duroc - BT55 của Trung tâm đã được vinh danh Thương hiệu vàng năm 2015; dòng Landrace - BT88S và Yorkshire - BT66S đạt giải thưởng Bông lúa vàng năm 2018.

Được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đầu năm 2017, Trung tâm đã nhập đàn heo giống cấp cụ kỵ (GGP) từ Cộng hòa Pháp có nhiều tính năng vượt trội, đặc biệt có số vú bình quân trên 16 vú.

Việc nhập mới nguồn gen này là cần thiết, vừa tiếp thu tiến bộ di truyền, vừa có con giống mới có năng suất chất lượng cao để nhân giống cung cấp cho sản xuất chăn nuôi hiện tại cũng như những năm tới, phù hợp với chiến lược chăn nuôi đến năm 2030.

Đây là một trong những giải pháp thực hiện chiến lược quan trọng, trong đó có giải pháp về khoa học công nghệ “Bảo tồn và khai thác hợp lý các nguồn gen, giống gốc vật nuôi trong nước, nhập mới các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để chọn lọc, thích nghi để chuyển giao nhanh vào sản xuất”.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng - Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã áp dụng một số phương pháp chọn lọc, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Qua đó, đã tạo ra sản phẩm giống có chất lượng cao và đã chuyển giao ra thị trường chăn nuôi heo Việt Nam với sản phẩm con giống và tinh heo giống cấp cụ kỵ, ông bà vô cùng quý giá.

Hàng năm, Trung tâm chuyển giao ra thị trường khoảng từ 800 - 1.000 heo đực giống, từ 3.000 - 3.500 heo cái hậu bị và trên 30.000 liều tinh heo giống cao sản nhằm phát triển nguồn gien có chất lượng và năng suất cao cho các tỉnh khu vực phía Nam cũng như trên cả nước.

Hiệu quả kinh tế từ số lượng lợn giống được chuyển giao ra sản xuất trong 3 năm qua cho thấy, nguồn giống lợn của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng đã mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi là rất lớn, ước tính khoảng trên 1.434 tỷ đồng.

Giải thưởng Thương Hiệu Vàng năm 2015

Không dừng lại với những thành quả đã đạt được, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng luôn tìm hướng đi phù hợp nhằm ngày càng nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó là giảm thiểu biến đổi khí hậu và tác động môi trường.