Trung tâm Môi trường Nông thôn – Hội Nông dân Việt Nam: Góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường
10/08/2023 - 15:49

Thực hiện Kết luận Hội Nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VI) về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Trung tâm Môi trường Nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) đã tổ chức 2 lớp tập huấn về “Nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường” tại tỉnh Hòa Bình, lớp thứ nhất từ ngày 21-22/7, lớp thứ hai từ ngày 24-25/7/2023.

Dự lớp tập huấn có ông Nguyễn Lâm Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn; lãnh đạo Hội Nông dân các cấp tỉnh Hòa Bình cùng hàng trăm hội viên nông dân trên địa bàn. Thạc sĩ Hồ Thiên Nga, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ Y tế là giảng viên.

 

Thạc sĩ Hồ Thiên Nga, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ Y tế chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Lâm Hồngcho biết: Sự nghiệp bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường,...đã quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, nhất là chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở pháp lý, nguồn ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, còn đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả; cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, chồng chéo, chưa quy rõ trách nhiệm một các rõ ràng.

Ông Nguyễn Lâm Hồngnhấn mạnh, tham gia khóa tập huấn lần này, tôi đề nghị các báo cáo viên dành thời gian trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn của các cấp Hội Nông dân Việt Nam nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.

“Là một tỉnh miền núi, kinh tế, đời sống của bà con nông dân tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Hội (thông qua Trung tâm Môi trường Nông thôn), các cấp Hội Nông dân tỉnh đã được trang bị kiến thức cơ bản về bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn. Qua đây, các cấp hội tiếp tục phổ biến, tuyên truyền tới từng hội viên hiểu, nắm được và áp dụng vào quy trình lao động, sản xuất và cuộc sống”, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Trong quá trình làm việc nghiêm túc, trách nhiệm giữa giảng viên và các học viên, nhiều câu hỏi, tình huống xảy ra trong cuộc sống, lao động, sản xuất,... gắn với bảo vệ môi trường đã được Thạc sĩ Hồ Thiên Nga giải thích thỏa đáng, dễ nghe, dễ hiểu.