Ngành Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế: Điểm nhấn trên bản đồ phát triển thông tin và truyền thông Việt Nam
24/09/2020 - 12:44

Khép lại năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế tự hào dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chính quyền điện tử; đứng thứ 2 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số Xếp hạng ICT Index. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Thừa Thiên Huế lại tiếp tục dẫn đầu trong xây dựng đô thị thông minh và được tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2019 với hạng mục Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; danh hiệu Sao Khuê 2020 cho Giải pháp phản ánh hiện trường. Những thành công ấn tượng đó đến từ sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh. Họ là những nhân tố chủ chốt, góp phần quan trọng nâng cao tầm vóc tỉnh nhà trên bản đồ phát triển công nghệ thông tin nói riêng, lĩnh vực thông tin và truyền thông cả nước nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh thuộc Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Nói về thành công này, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết “Với sự nỗ lực của ngành TTTT, nhiều năm liền tỉnh Thừa Thiên Huế ở tốp dẫn đầu toàn quốc về ứng dụng CNTT trong hoạt động hành chính công. Tiếp nối thành công đó, năm 2019, ngành đã ra sức thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử và đến hết năm đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp công cụ cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua môi trường mạng với sự tham gia của 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến xã, hiện đã có 247.880 tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia; 100% bộ phận một cửa của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến xã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý một cửa tập trung; triển khai thành công mô hình và quy trình phối hợp giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc triển khai đề án phát triển dịch vụ Đô thị thông minh được Trung tâm IOC vận hành hiệu quả, đến nay đã có 10 dịch vụ Đô thị thông minh đang được triển khai và mới đây Trung tâm Hue IOC tiếp tục vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê 2020 cho dịch vụ “Giải pháp phản ánh hiện trường”.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế tự hào giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc những kết quả nổi bật của các dịch vụ Đô thị thông minh đang được triển khai

Song đây mới chỉ là một trong số những thành tích ấn tượng mà ngành TTTT tỉnh đạt được. Cũng trong năm 2019, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí tiếp tục hoạt động ổn định, đúng tôn chỉ mục đích và có những bước phát triển nhất định. Các cơ quan báo chí đã làm tốt việc tuyên truyền, phản ánh nhanh nhạy, đầy đủ tình hình thời sự, đặc biệt là tình hình phát triển về mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên Huế và vừa đưa tin đậm nét các hoạt động kỷ niệm của quê hương, đất nước.

Lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông có bước phát triển mới. Dịch vụ bưu chính công ích phục vụ hành chính công đã triển khai 110/145 xã, phường, thị trấn; tính đến hết tháng 10/2019, đã tiếp nhận và chuyển trả 356.466 hồ sơ cho công dân, tổ chức. Tỉnh có tổng số 111 điểm bưu điện văn hóa xã; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, Bưu điện tỉnh đã triển khai tại 48 điểm. Sở TTTT đã vinh dự nhận bằng khen của Bộ TTTT về Chương trình phục vụ đọc sách báo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết chương trình phối hợp số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT về việc tổ chức hoạt động đọc sách báo tại điểm BĐVHX giai đoạn 2013 - 2020.

Trong năm, ngành đã đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hạ tầng viễn thông, internet với việc xây dựng cống bể và hạ ngầm dây thuê bao; cải tạo, chỉnh trang cáp và xử lý phản ánh hiện trường. Đã hoàn thành xây dựng cống bể tại 19 tuyến đường; hạ ngầm cáp, dây thuê bao đến nhà thuê bao tại 12 tuyến đường; xử lý tháo dỡ dây thuê bao treo trên cột tại 12 tuyến đường...; hoàn thành chỉnh trang cáp, dây thuê bao kết gọn bằng dây rút với chiều dài 10,373 km tại 16 tuyến đường; chỉnh trang cáp, dây thuê bao bằng dây gia cường với chiều dài 19,33 km tại 16 tuyến đường; xử lý phản ánh hiện trường tại 85 điểm thuộc 36 tuyến đường.

Có thể nói khép lại năm 2019, ngành TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế lại tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trong sự phát triển kinh tế  - xã hội tỉnh nhà và tiến thêm một bước dài trên bản đồ phát triển TTTT cả nước.

Bước sang năm 2020 được xác định là Năm chuyển đổi số Quốc gia để tiến tới một Việt Nam số, Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả vận hành các dịch vụ đô thị thông minh là: Dịch vụ phản ánh hiện trường; thông tin cảnh báo; giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; thông tin báo chí; giám sát hành chính công; quảng cáo điện tử; giám sát tàu cá; thẻ điện tử; giám sát an toàn thông tin mạng.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, Sở TTTT Thừa Thiên Huế đã chung sức cùng toàn tỉnh triển khai hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid - 19 như: Số hóa và hỗ trợ giám sát tại Trung tâm CDC-IOC, các điểm kiểm soát, các khu cách ly; số hóa và tiếp nhận đăng ký lưu trú trực tuyến; rà soát khai báo y tế; tiếp nhận và xử lý yêu cầu hỗ trợ y tế từ người dân; thiết lập tổng đài phản ánh hiện trường và hỏi đáp về dịch Covid-19 tại đường dây nóng 19001075; tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân qua facebook, zalo đô thị thông minh về dịch Covid - 19; tổ chức rà soát, giám sát bài viết trên mạng Internet liên quan đến dịch; hỗ trợ cổng dịch vụ công trực tuyến; ngăn chặn, cách ly và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tấn công mạng, phần mềm gián điệp, virus, đảm bảo an toàn thông tin trong đợt cao điểm phòng, chống dịch...

Đứng trước thời cơ và vận hội mới, trong thời gian tới ngành TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn sẽ kiên trung phát huy tinh thần 10 chữ vàng của ngành TTTT Việt Nam “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, trong đó tập trung tham mưu đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dịch vụ đô thị thông minh; tích hợp giám sát toàn diện các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông và môi trường theo Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến 2025.