Viettel đang là mạng viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam và nằm trong Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới. Kiến tạo hạ tầng mạng lưới hiện đại, tự chủ và tiên phong về công nghệ để tạo ra những cuộc cách mạng về kết nối, góp phần thay đổi cuộc sống của con người, phát triển đời sống kinh tế - xã hội và luôn sẵn sàng là mạng thông tin quân sự thứ 2, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sứ mệnh của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel - đơn vị cốt lõi về kỹ thuật của Tập đoàn Viettel.
Trung tâm điều hành mạng lưới toàn cầu của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel
Những cuộc cách mạng về kết nối
Một trong những quyết định lịch sử và cuộc bùng nổ đầu tiên của viễn thông Việt Nam là khi Viettel phủ sóng di động 2G trên toàn quốc vào năm 2004. Dù đi sau nhưng với vùng phủ sâu rộng nhất, dung lượng lớn nhất và chất lượng mạng lưới tốt nhất, Viettel đã biến việc “alo” từ một dịch vụ xa xỉ trở thành nhu cầu thiết yếu cho mọi người dân như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày.
Sau khi vươn lên là nhà mạng số 1 Việt Nam vào năm 2008, Viettel tiếp tục khởi xướng cuộc cách mạng mới về dữ liệu khi đưa vào khai thác mạng di động 3G lớn nhất cả nước vào năm 2010 và là mạng duy nhất trên thế giới ngay khi khai trương đã phủ được 86% dân số.
Đến năm 2017, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đã tạo nên một kỳ tích mới khi dựng nên mạng 4G lớn nhất với 36.000 trạm BTS, công nghệ tiên tiến nhất thế giới 4 thu 4 phát chỉ trong vòng 6 tháng - một chiến dịch thần tốc ở quy mô có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”, thậm chí là trên bình diện thế giới. Mạng 4G của Viettel Networks đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dữ liệu, lưu lượng năm sau luôn cao gấp đôi năm trước, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video, tường thuật trực tuyến để làm việc, học tập, giải trí hay kinh doanh.
Hạ tầng băng rộng cố định của Viettel Networks phủ đến tận xã với 380.000 km, gấp hơn 9 lần chu vi trái đất và 11 triệu cổng GPON, phục vụ gần 6 triệu khách hàng. Mạng lưới Viettel cũng đang có 6 hướng kết nối ra quốc tế qua cả đường biển và đất liền.
Năm 2004, Viettel chỉ có 500 trạm phát sóng. Nhưng 5 năm sau, năm 2009, con số ấy lên tới 20.000 trạm, phủ sóng tới tận những nơi “thâm sơn cùng cốc” của đất nước. Số trạm này tăng gấp 40 lần và gần bằng 50% số trạm của 7 nhà cung cấp còn lại vào thời điểm đó. Số trạm 2G, 3G, 4G của Viettel Networks hiện nay lên tới hơn 120.000 trạm. Khi khai trương dịch vụ di động, Viettel chỉ có 500.000 khách hàng, thì đến năm 2009 đã có 34 triệu thuê bao, gấp tới 68 lần và đến giờ là gần 70 triệu khách hàng, giữ vững là nhà mạng dẫn đầu tại Việt Nam.
Mạng thông tin quân sự thứ 2
Sinh ra từ quân đội, trưởng thành từ quân đội, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel luôn nhận thức sâu sắc việc phát triển hạ tầng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đóng vai trò là mạng thông tin quân sự thứ 2 của quốc gia.
Trạm phát sóng của Viettel đã có mặt ở khắp các đồn biên phòng trên cả nước
Từ năm 2007, sóng Viettel đã xuất hiện ở Trường Sa. Đến nay, toàn bộ quần đảo này cũng như các nhà giàn, đồn biên phòng trên toàn quốc đều có mạng Viettel hiện diện. Mục tiêu của Viettel Networks là ở đâu có dân, có cán bộ, chiến sĩ thì phải có sóng Viettel. Hàng năm, Tổng Công ty liên tục mở rộng, nâng cấp, củng cố và bảo dưỡng hạ tầng mạng lưới ở khu vực biển đảo, đồn biên phòng. “Cánh sóng” Viettel đã vươn xa, phủ khắp các vùng biển, dọc biên giới, phục vụ đắc lực cho công cuộc chinh phục đại dương, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Về công nghệ, ngoài giải pháp đặc thù cho các trạm 2G, hiện nay, các trạm 3G, 4G biển đảo của Viettel Networks đều sử dụng công nghệ khuếch đại đa sóng mang để đạt được công suất cao kết hợp với tính năng phủ xa và ưu thế về độ cao so với mực nước biển. Khi bật tính năng này, vùng phủ trạm 3G, 4G của Viettel có thể tăng từ 30km lên tối đa 180km.
Bên cạnh đó, Viettel Networks cũng là đơn vị đảm bảo thông tin liên lạc cho nhiệm vụ phòng, chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, phòng, chống tội phạm công nghệ cao; là đơn vị bảo đảm chính các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ Đại hội XII của Đảng, Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Năm 2020, Tổng Công ty là đơn vị bảo đảm chính về hạ tầng và các giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19; triển khai hạ tầng công nghệ phục vụ tổ chức các Hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 mà Việt Nam là chủ trì với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Không bằng lòng với những gì đã có, trước thách thức do sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đã và đang tiến hành một cuộc cách mạng mới, đưa đơn vị lên một tầm cao mới, chuyển dịch từ một công ty chuyên về vận hành khai thác trở thành một công ty công nghệ, dịch vụ, sáng tạo.
Những sản phẩm do những kỹ sư Viettel Networks nghiên cứu, phát triển, ứng dụng như công nghệ điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, 5G,…đã và đang thể hiện rõ vai trò tiên phong, dẫn dắt của Viettel trong việc thúc đẩy lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam ngang tầm với khu vực và thế giới, đồng thời góp phần đưa giá trị thương hiệu Viettel lên 5,8 tỷ USD, xếp thứ 28 trên bảng xếp hạng thế giới, thứ 1 tại Đông Nam Á và thứ 9 tại châu Á theo định giá của Brand Finance.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đặt mục tiêu tiên phong phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, là nền tảng kết nối trong cuộc cách mạng 4.0, góp phần quan trọng vào mục tiêu kiến tạo xã hội số Việt Nam và bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh của đất nước.