Ngày 1/1/1993, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chính thức được thành lập. Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, có vị trí địa chính trị rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Huyện đảo có bề dày truyền thống cách mạng và nhiều danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống, là nơi đã sản sinh ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những binh phu vâng lệnh triều đình ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên 10,390km2, dân số khoảng 22.174 người, có 6 thôn và 24 đảng bộ, chi bộ đảng trực thuộc. Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển Lý Sơn đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, qua từng nhiệm kỳ, huyện đã điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý, trong đó trọng tâm là phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: Nghề khai thác hải sản; sản xuất hành, tỏi; phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch…; đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện luôn đạt ở mức 15 - 16%/năm.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ, du lịch của huyện đảo Lý Sơn đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi. Từ việc huy động tốt các nguồn lực khác nhau, Lý Sơn đã được đầu tư rất lớn để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ về du lịch, nổi bật là đầu tư các tuyến đường giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng giao thông Bến Đình, Nhà trưng bày bộ xương cá ông lớn nhất Việt Nam (Lăng Tân), quảng trường, công viên, cột cờ… Đến cuối năm 2019, toàn huyện có hơn 135 cơ sở kinh doanh lưu trú; trong đó có 17 khách sạn, 55 nhà nghỉ, 63 gia đình tham gia mô hình du lịch cộng đồng homestay… với công suất 1.069 phòng, đáp ứng nhu cầu của du khách đến với Lý Sơn. Năm 2019, Lý Sơn đón gần 265 ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách giai đoạn (2016-2019) là 14,8%; phát triển du lịch đã tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 1.855 lao động trực tiếp và khoảng 5.000 lao động gián tiếp.
Đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39.600 triệu đồng,/người/năm, tăng 16.300 triệu đồng so với năm 2016, và tăng khoảng 17 lần so với năm đầu thành lập huyện.
Năm 2020 do đại dịch Covid-19 hoành hành nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện bị ảnh hưởng, chịu nhiều tác động lớn. Nhưng trong năm 2021 với sự quyết tâm của Đảng bộ đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện tổ chức thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới” và đạt được một số kết quả nhất định. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 2.084,7 tỷ đồng, giảm 1,6% so với năm 2020. Trong đó, nông nghiệp đạt 166,784 tỷ đồng, giảm 11,9%; thuỷ sản đạt 841,874 tỷ đồng, giảm 3,1%; thương mại - dịch vụ đạt 870,1 tỷ đồng, tăng 0,4%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 162,467 tỷ đồng, tăng 3,1% .
Song song với sự phát triển của ngành kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, xã hội đạt được những thành tựu rất đáng phấn khởi, hoạt động văn hóa – thể thao đạt nhiều khởi sắc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế cũng như đội ngũ y, bác sĩ được củng cố và tăng cường, bệnh viện quân dân y được đầu tư xây dựng mới và thường xuyên tăng cường bác sĩ tạo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Công tác dân số - gia đình và trẻ em hằng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra. Hạ tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 10,12% (năm 2012 đạt 25,5 %). Công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công cách mạng, giúp đỡ người neo đơn, tàn tật, huy động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo được triển khai thực hiện tốt, được đông đảo nhân dân đồng thuận ủng hộ. Cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được củng cố và tăng cường, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền Lý Sơn xác định: Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc chính là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua công tác quốc phòng, an ninh luôn được chú trọng lãnh đạo, củng cố, kiện toàn; các lực lượng vũ trang, công an của huyện mạnh về chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ năng lực và tinh thần sẵn sàng chiến đấu giành thắng lợi trong mọi tình huống. Hoàn thành công tác huấn luyện, diễn tập hằng năm, xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, công tác tuyển quân hàng năm đảm bảo số lượng và chất lượng. Tình hình an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể ngày một hiệu quả, được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Năm 1993, khi mới thành lập huyện, toàn huyện có 7 tổ chức cơ sở Đảng với 187 đảng viên, đến nay có 24 tổ chức cơ sở Đảng, với 887 đảng viên. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được xây dựng, củng cố, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nên diện mạo mới cho huyện đảo Lý Sơn.
Toàn huyện có 6 di tích Quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, bên cạnh đó còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng. Huyện đang tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để đưa địa phương phát triển. Theo đó, huyện đang chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn gắn với truyền thống khai thác biển, đảo lâu đời của người dân Lý Sơn.
Nhờ vậy, đời sống thu nhập của người dân từng bước được cải thiện, diện mạo quê hương từng bước “thay da đổi thịt”, điều này cho thấy hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là con số ấn tượng, khẳng định tiềm năng, lợi thế của du lịch biển đảo Lý Sơn.
Phát huy những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện đảo Lý Sơn tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, cần cù lao động sản xuất, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, đưa Lý Sơn nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế du lịch, địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển biển đảo của cả nước…; đồng thời đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Toàn cảnh đảo Lý Sơn – Hòn ngọc giữa biển xanh