Là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, Nghi Xuân đã có những bước tiến năng động, ghi nhiều dấu ấn trong sự phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh. Cuối năm 2018, Nghi Xuân trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là bước đệm để Nghi Xuân tiếp tục tiến bước trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa phía Bắc tỉnh và huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020, gia tăng vị thế trên bản đồ phát triển tỉnh Hà Tĩnh.
Nghi Xuân là một huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, có diện tích tự nhiên là 22.004,56 ha; gồm 19 xã, thị trấn với 24.955 hộ gia đình và 98.500 nhân khẩu. Nơi đây hội tụ đầy đủ những tinh hoa của núi Hồng, sông Lam, với nhiều danh nhân, di tích, danh thắng nổi tiếng: Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ... là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, du lịch.
Trong 5 năm qua, hòa nhập vào sự đổi mới của tỉnh và đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng quê hương Nghi Xuân phát triển lên một tầm cao mới.
Trong lĩnh vực kinh tế, huyện đã tập trung đầu tư mũi nhọn vào kinh tế biển, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ gắn với khai thác, nuôi trồng thủy sản nhằm tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, mạnh, bền vững.
Nếu như năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 14% thì đến năm 2018 đã tăng lên mức cao 17,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm - thủy sản chiếm 18,56%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47,67%; thương mại - dịch vụ chiếm 33,77%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2014. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với giá trị sản xuất đạt 854,8 tỷ đồng, bằng 102,3% kế hoạch, tăng 15,93% so với cùng kỳ năm 2017.
Riêng hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản được duy trì, phát triển khá, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao nhờ phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ (hiện có 27 chiếc trong đó có 6 tàu vỏ thép công suất trên 800 CV), diện tích nuôi trồng mặn lợ tăng 38,1 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - đạt 2.402 tỷ đồng, bằng 100,22% kế hoạch, tăng 23,63% so với năm 2017.
Huyện đã hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch và đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Xuân Lĩnh theo quy định; chủ động phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu công nghiệp Gia Lách; tổ chức tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và phổ biến chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp chế biến, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn.
Đáng chú ý, mảnh đất Anh hùng Nghi Xuân đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn nơi đây được tô điểm bởi những gam màu tươi sáng, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Cuối năm 2018, Nghi Xuân vinh dự trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Song hành với kinh tế phát triển là lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, truyền thông được triển khai thực hiện tốt, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Năm 2018, Nghi Xuân đã tổ chức thành công hoạt động kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn ở trong tốp đầu của tỉnh, đến hết năm 2018, huyện Nghi Xuân có 39 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 75%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, nhất là với các đối tượng thuộc diện chính sách và người nghèo. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được thực hiện hiệu quả; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98% kế hoạch; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92%.
Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, huyện thường xuyên quan tâm chăm lo, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo.
Năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, trong đó có 1.300 lao động xuất khẩu; tổ chức 28 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 đối tượng thuộc các hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển và 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 150 lao động nông thôn theo Đề án 1956; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,29%.
Với những thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Xuân đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2017; UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều Cờ thi đua, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen. Đặc biệt, huyện đang được Chủ tịch nước xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho những thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2018.
Một Nghi Xuân đang trên đà phát triển nhanh, mạnh, bền vững là nhận định chung khi đặt chân lên mảnh đất phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh này. Song chưa tự bằng lòng với những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng mang đến những sắc diện mới cho quê hương, xây dựng huyện phát triển xứng tầm một trung tâm kinh tế - văn hóa phía Bắc tỉnh, một huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 và ghi những dấu ấn đậm nét trong toàn cảnh phát triển tỉnh Hà Tĩnh.